Không bao giờ là quá muộn…

Thứ Ba, 29/12/2020, 19:44 [GMT+7]
In bài này
.

Một người bạn của tôi vừa phải nhập viện cấp cứu vì tức ngực, khó thở và ho nhiều. Trước đó, bạn tôi đã tự chữa bằng cách mua thuốc ho ở các nhà thuốc để uống trong 3 tuần, nhưng bệnh không thuyên giảm mà cơn đau ngực càng tăng, đến ngưỡng không chịu được bạn mới nhập viện. 

Hôm vào viện để thăm, theo như bạn kể, bác sĩ cho biết phổi của bạn đã “mất” 1/3 do hút thuốc lá lâu năm, các nang phổi gần như đông đặc và hình ảnh trên phim chụp X.Q là một màu tối sẫm. 

Có thể nói, bạn mới chỉ ngoài 40 tuổi, nhưng đang có lá phổi của một người già. 

Đây không phải là trường hợp hiếm gặp, khi mà trước đó, một người bạn khác của tôi cũng đã phải cấp cứu vì không thở nổi, sốt và ho kéo dài. Bạn cũng có tiền sử hút thuốc lá, không dưới 2 bao mỗi ngày và thậm chí còn hút thêm cả thuốc lá điện tử. Kết quả, hình ảnh X.Q phổi của bạn đông đặc bởi khói thuốc. 

Bạn còn sốc nặng khi bác sĩ chỉ định tầm soát ung thư do có những đốm bất thường ở phổi. Lúc ấy, bạn từng ước mình chưa bao giờ hút thuốc và tự hứa như đinh đóng cột rằng, nhất định sẽ bỏ hút thuốc lá ngay và luôn. 

Vậy nhưng, chỉ tầm chưa đầy một tuần sau khi được xuất viện và kết quả xét nghiệm của những đốm bất thường là “lành tính” thì bạn lại đã hút thuốc, vẫn ngày 2 bao. 

Khi được hỏi, bạn đã nêu ra các tác hại của việc hút thuốc lá và biết rất rõ việc mình hút thuốc không chỉ tốn tiền mà còn dẫn đến “cửa tử” sớm hơn những người khác, nhưng để bỏ thì quả là quá khó.

Đó cũng chính là tình trạng chung của nhiều người, khi mà mới đây, kết quả công bố của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, sau nhiều năm thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, tỷ lệ người hút thuốc chỉ giảm 2%. Một con số quá ít với khoảng 17 triệu người hút thuốc (trong đó, trên 45% nam giới và 1,1% phụ nữ trưởng thành). Từ 17 triệu người hút thuốc ấy, theo ước tính, kéo theo 33 triệu người khác phải chịu hút thuốc lá thụ động. 

Công bằng mà nói, sau 7 năm Luật phòng, chống tác hại thuốc lá đi vào thực tế (từ 2013), ý thức, kiến thức của người dân đã có nhiều chuyển biến. Đặc biệt, ở các cơ quan công sở, không còn tình trạng hút thuốc lá phổ biến như trước. Theo đánh giá chung của các cơ quan trung ương và địa phương, trung bình trên 90% lãnh đạo bộ, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu biết về quy nơi làm việc không khói thuốc. Đa số các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện… thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên, trong nhà. Tuy nhiên, dù hành vi hút thuốc lá tại cơ quan, nơi làm việc giảm nhưng tình trạng hút thuốc tại cơ sở vui chơi giải trí, bệnh viện, nơi đông người vẫn còn phổ biến. Thậm chí, ở công sở, có tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tuy không hút thuốc nơi làm việc, nhưng lại đi ra ngoài, tìm chỗ vắng để hút lén lút. 

Trong khi đó, với hàng chục bệnh lý có nguy cơ từ thuốc lá đã được biết đến, thì những nguy cơ khác hoặc bệnh lý được khẳng định do hút thuốc lá mà gây nên được nghiên cứu mới mỗi ngày một dài thêm. Thuốc lá gây ra khoảng 25 bệnh khác nhau cho người hút thuốc như ung thư, tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản. Trên thế giới, 90% bệnh nhân bị bệnh phổi có liên quan đến thuốc lá. Nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì trong thế kỷ 21, tổng số ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá lên tới một tỷ người.

Một nghiên cứu khác từng được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành về thuốc của Anh cho thấy, người hút thuốc lá có thể mất tới 10 năm tuổi thọ. Trong khi đó, người ngừng hút thuốc ở tuổi 35 lấy lại 10 năm tuổi thọ, cai ở tuổi 40 thì lấy lại 9 năm sống. Đến 45-54 tuổi mới cai thuốc lá thì chỉ lấy lại được khoảng 6 năm sống.

Vâng, hút thuốc lá không chỉ tốn tiền, mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho người hút và những người xung quanh. Điều đó ai cũng biết rất rõ, vậy tại sao không từ bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt? Và việc bỏ thuốc không bao giờ là quá muộn để cải tạo chất lượng cuộc sống. Những ai chưa từng hút thì xin hãy đừng thử…

THẢO TRẦN

 
;
.