Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành phương thức giao dịch quen thuộc trên thị trường quốc tế và đang ngày càng phát triển tại Việt Nam. Trong đó, TMĐT đối với các sản phẩm nông nghiệp (SPNN) của nước ta đang có sức thu hút mạnh mẽ và ngày càng mở rộng quy mô trên thị trường trực tuyến.
Theo chỉ số TMĐT của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, hiện cả nước có hơn 64 triệu người dùng internet, chiếm 66% dân số; 62 triệu người dùng mạng xã hội với số thuê bao di động đạt 143 triệu … là cơ sở quan trọng để phát triển mạnh thị trường TMĐT. Thông qua các website TMĐT uy tín, như: Voso.vn, gcaeco.vn, postmart.vn, người tiêu dùng dễ dàng mua các SPNN tiêu biểu bằng phương thức trực tuyến. Đồng thời, yên tâm hơn khi mua SPNN qua mạng, bởi các loại SPNN tiêu biểu đã được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Tuy có rất nhiều tiềm năng phát triển TMĐT đối với các SPNN tiêu biểu, song thực tế cho thấy các địa phương, các DN, các HTX, các cơ sở sản xuất nông nghiệp vẫn bí đầu ra cho các sản phẩm của mình, còn tồn tại rất nhiều hạn chế trong quá trình phát triển và mở rộng quy mô thị trường TMĐT, như hạ tầng logistics, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hệ thống vận chuyển hàng hóa và đa dạng các phương thức thanh toán.
Việc đưa các SPNN chủ lực và các sản phẩm đặc trưng trong chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) lên các sàn TMĐT không chỉ giúp các DN, các HTX và các cơ sở sản xuất có thêm kênh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mà còn tạo cơ hội để người tiêu dùng có điều kiện thuận lợi tiếp cận với các SPNN của mọi vùng, miền. Được biết, từ cuối năm 2018, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã thiết lập sàn giao dịch thương mại điện tử postmart. Đây là sàn giao dịch TMĐT có quy mô quốc gia, chủ yếu dành riêng cho những sản phẩm OCOP, nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu rộng rãi các mặt hàng nông sản nổi tiếng của các địa phương trong cả nước. Các sàn giao dịch Voso.vn, gcaeco.vn, postmart.vn … được xem là giải pháp tối ưu, phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ 4.0 trong việc cung cấp dịch vụ khép kín, từ cập nhật giới thiệu sản phẩm, bán hàng, giao hàng đến thanh toán trực tuyến. Các DN và người tiêu dùng ở bất cứ đâu chỉ cần truy nhập bằng điện thoại thông minh hoặc máy tính vào các website nói trên là có thể tìm kiếm SPNN và thực hiện mua bán ngay trên sàn TMĐT.
Xác định TMĐT là hướng đi quan trọng và thiết thực, giúp các HTX và bà con nông dân tiếp cận nhanh với thị trường trực tuyến, thời gian qua, Sở NN-PTNT và các ngành đã chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động đưa các SPNN lên sàn TMĐT. Đến nay, trên địa bàn tỉnh BR-VT có 48 cơ sở đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP với hơn 100 sản phẩm tiêu biểu. Riêng năm 2019, có 17 SPNN tiêu biểu được đánh giá chất lượng, được hướng dẫn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu chứng nhận bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Đến cuối năm 2020, hội đồng đánh giá xếp hạng tỉnh đã chọn 21 sản phẩm có điều kiện trở thành sản phẩm OCOP, như: Tiêu xanh muối, tiêu sữa, tiêu một nắng, tiêu muối tươi, tiêu không hạt; củ hoài sơn, tinh bột nghệ đỏ, cà phê hạt 100% robusta, cà phê hạt 100% arabica, mật ong Thuần Dương, mật ong hoa cà phê, mật ong đông trùng hạ thảo...
Đưa SPNN tiêu biểu lên các sàn giao dịch TMĐT là cả một quá trình nhằm kết nối trực tuyến giữa các HTX sản xuất với người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả đầu tư sản xuất nông nghiệp. Đòi hỏi các địa phương, các đơn vị cần tăng cường hoàn thiện công tác chuẩn hóa và đa dạng hóa các SPNN tiêu biểu. Đồng thời, tạo điều kiện giúp các SPNN tiêu biểu luôn bảo đảm về chất lượng, cũng như mẫu mã, bao bì để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, để các SPNN tiêu biểu, các sản phẩm đạt tiêu chí OCOP mở rộng quy mô trên các sàn giao dịch TMĐT, ngoài việc sản xuất theo hình thức tập trung, có truy xuất nguồn gốc, có mã code, đạt các quy chuẩn an toàn, thì việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm cho đối tác để thương thảo, ký kết hợp đồng rất quan trọng. Do đó, ngoài việc tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, các địa phương cần tích cực hướng dẫn, chủ động hỗ trợ bà con nông dân về logistics, về các phương thức tiếp thị, chuyển giao hàng hóa và thanh toán trực tuyến.
HOÀNG LÊ