Từ năm 2011 với tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 9,9%, Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa dân số và từ năm 2026-2054, nước ta sẽ trong giai đoạn dân số già khi tỷ lệ người 65 tuổi trở lên chiếm từ 10-19,9%.
Đúng như cảnh báo của các chuyên gia dân số, Việt Nam chưa giàu nhưng dân số đã bắt đầu già hóa, và chỉ còn vài năm nữa là bước vào giai đoạn già hóa dân số. Cũng như tại các nước phát triển, những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, sống ở các vùng đô thị thường có xu hướng sinh ít con hơn các gia đình khó khăn, sống ở vùng nông thôn, miền núi. Nguyên nhân là do các cặp vợ chồng ở đô thị muốn sinh ít con để nuôi dạy cho tốt. Hơn nữa, nhiều cặp vợ chồng từ quê ra phố lập nghiệp, hàng ngày phải đi làm, bận rộn mưu sinh, phấn đấu cho sự nghiệp nên không có người trông con, đưa đón con đi học. Ngoài ra, khu vực đô thị, xung quanh các KCN do tập trung đông dân cư nên quỹ đất bị thu hẹp, thiếu thốn về hạ tầng xã hội (nhà ở, nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế…), chi phí sinh hoạt đắt đỏ cũng là những nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng ở khu vực này ngại sinh con.
Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Sự phát triển của các KCN đã thu hút hàng triệu người lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lao động công nghiệp, có lương và tham gia BHXH. Tuy nhiên, tỷ lệ người tham gia BHXH (năm 2021 phấn đấu đạt 45%) và tỷ lệ người được hưởng lương hưu so với dân số hiện nay vẫn còn thấp. Với truyền thống là đất nước nông nghiệp, phần lớn người cao tuổi ở Việt Nam vẫn phải tự kiếm sống hoặc sống dựa vào con cháu. Do vậy, trong những năm tới, khi bước vào thời kỳ dân số già, số người già tăng cao cùng với tỷ lệ người già không có lương hưu hoặc trợ cấp cũng tăng theo. Trong khi đó, số người ở độ tuổi lao động bị giảm mạnh. Điều này sẽ tạo áp lực lớn đối với thị trường lao động việc làm, công tác bảo đảm an sinh xã hội, các vấn đề về y tế, chăm sóc sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đã có nhiều biện pháp nhằm kéo giảm quá trình già hóa dân số, trong đó có chính sách khuyến khích “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” thay cho thông điệp "Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con". Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế-xã hội, tỷ suất sinh con ở nhiều địa phương vẫn thấp hơn trung bình cả nước, trong đó có tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với số con trung bình của mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 1,87 con (mức sinh thay thế là 2,09 con/cặp vợ chồng).
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), khi phát biểu tại hội thảo "Dân số và phát triển" tổ chức ngày 24/12 cho rằng một trong những biện pháp để hạn chế tốc độ già hóa dân số là duy trì mức sinh thay thế. Biện pháp này đã được nước ta duy trì từ năm 2006 đến nay, với tổng tỷ suất sinh ở mức xung quanh 2 con/bà mẹ. Bên cạnh đó, để kìm hãm tốc độ già hóa dân số, cần có nhiều chính sách hỗ trợ khác. Chẳng hạn, từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con thông qua việc ưu đãi mua nhà ở xã hội, ưu tiên cho trẻ vào trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, miễn giảm đóng góp công ích... Một số địa phương như tỉnh Hậu Giang đã dành khoản ngân sách gần 18 tỷ đồng để khen thưởng, biểu dương những cặp vợ chồng sinh 2 con đều là gái nhưng không sinh con thứ ba (giai đoạn 2019-2025) nhằm kéo giảm tình trạng dân số già, mất cân bằng giới tính...
Cùng với các chính sách chung, mỗi địa phương cần căn cứ điều kiện thực tế để có những chính sách phù hợp nhằm khuyến khích người dân sinh con đầy đủ theo khuyến cáo; tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức và hành vi của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ để bảo đảm tỷ suất sinh con hợp lý, góp phần làm chậm tình trạng già hóa dân số.
ĐỨC NGUYÊN