Sau 2 năm triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), mới đây, lần đầu tiên BR-VT tổ chức đánh giá, xếp hạng cho sản phẩm. 5 sản phẩm gồm: tiêu xanh muối, tiêu sữa, tiêu một nắng, tiêu muối tươi, tiêu không hạt, củ hoài sơn của HTX Nông nghiệp - Thương mại và Dịch vụ Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc) được xếp hạng 5 sao. 16 sản phẩm đạt 4 sao gồm: Mật ong Thuần Dương, tinh bột nghệ đỏ của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Xuất nhập khẩu Nông nghiệp và Dược liệu Thuần Dương (huyện Xuyên Mộc); cà phê hạt 100% Robusta, cà phê hạt 100% Arabica, cà phê phin giấy, cà phê hòa tan 3 in 1, cà phê nguyên chất của Công ty TNHH SX và XNK Nón Lá (Thị xã Phú Mỹ); Mật ong nguyên chất, mật ong hoa cà phê, mật ong hoa nhãn, mật ong hoa chôm của Công ty Duy Anh Bee (huyện Châu Đức); rượu Dragon, rượu Club, mật ong Đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo Cordy của Công ty TNHH Nuôi trồng nấm Hòa Long (TP. Bà Rịa).
Rõ ràng là đã có những đổi thay bước đầu mà chương trình OCOP mang lại, nhất là tư duy sản xuất của nông dân, DN. Đặc biệt, các chủ thể tham gia đã quan tâm đến chứng nhận an toàn, chứng nhận quốc tế, tăng cường chế biến sâu. Đây cũng là yếu tố cốt lõi để đưa sản phẩm đứng vững trên thị trường. Có thể lấy ví dụ như HTX Nông nghiệp - Thương mại và Dịch vụ Bầu Mây đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã, bao bì. HTX cũng đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, trong số gần 1.000ha sản xuất tiêu có 15ha được sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP), gắn bảng theo dõi từ khi trồng đến khi thu hoạch và kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng phân bón, nước tưới, chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật. Không những vậy, sản phẩm còn được thực hiện đúng các quy định về nhật ký sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký mã vạch… Như vậy, từ hạt tiêu bình thường chỉ bán 54-55.000 đồng/kg, thì với việc sản xuất an toàn, gắn với chế biến sâu, các sản phẩm từ tiêu của HTX Nông nghiệp - Thương mại và Dịch vụ Bầu Mây đã xuất khẩu đến các thị trường khó tính với giá cao gấp 2-3 lần.
Chương trình OCOP được Chính phủ phê duyệt tháng 5/2018 nhằm góp phần thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ theo lợi thế ở mỗi địa phương, theo chuỗi giá trị. Đến nay đã có 51 tỉnh thành trong cả nước triển khai chương trình OCOP với khoảng 5.000 sản phẩm thế mạnh. Theo đó, chương trình được đánh giá là đi đúng hướng, tạo nên những đổi thay về nhận thức, quy trình sản xuất, hiệu quả kinh tế cho những sản phẩm thế mạnh ở mỗi địa phương. Tuy vậy, điều mà người dân quan tâm là, sau khi được gắn 4 - 5 sao, sản phẩm này sẽ phát triển đến đâu, có bán được ra thị trường và nâng cao giá trị như thế nào? Do đó, tỉnh cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn và giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP; các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online… Nếu có hướng đi đúng thì chương trình sẽ tạo nên những “kỳ tích” ở mỗi địa phương, tương tự như chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” - One village, One product - OVOP mà tỉnh Oita của Nhật Bản thực hiện và lan tỏa.
NGÔ GIA