Nâng cao chất lượng bữa ăn học đường

Thứ Sáu, 20/11/2020, 18:41 [GMT+7]
In bài này
.

Mới đây, chương trình thời sự của Đài truyền hình Việt Nam đưa tin, tình trạng trẻ em thấp còi của nước ta đang xếp ở mức cao so với các nước trong khu vực. Suy dinh dưỡng thấp còi (SDDTC), thiếu vi chất dinh dưỡng (VCDD) và rèn luyện thể lực chưa bảo đảm, là những nguyên nhân hàng đầu khiến chiều cao của thanh, thiếu niên Việt Nam chậm được cải thiện.

Theo số liệu của “Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2020”, chiều cao trung bình của người Việt Nam hiện nay mới đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ. Con số này được đánh giá là thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á và càng xa hơn so với các quốc gia châu Âu. Trong vòng 27 năm (từ năm 1993 đến nay) chiều cao trung bình của thanh niên nước ta chỉ tăng thêm được 3 cm. Người Việt Nam hiện lùn thứ tư thế giới, chỉ xếp trên Indonesia (158cm), Philippines (161,9cm), Bolivia (160cm). Lý giải nguyên nhân chiều cao của người Việt thấp, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết: Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phát triển chiều cao ở trẻ em dẫn tới thể lực và tầm vóc của người Việt  Nam còn hạn chế. Trong đó, có hơn 50% là do dinh dưỡng và rèn luyện thể lực chưa bảo đảm; những yếu tố còn lại là gen, tâm lý, sức khỏe…. Thiếu đạm, các vi chất, canxi, kẽm, sắt… là nguyên nhân khiến trẻ suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng về chiều cao. Mặc dù vậy, kết quả khảo sát mới đây cho thấy, vẫn còn nhiều phụ huynh thiếu hụt kiến thức về bổ sung dinh dưỡng trong chế độ ăn cho trẻ, nhất là ở giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì, là những giai đoạn quyết định rất lớn đến sự phát triển chiều cao của trẻ. 

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, trẻ em ở lứa tuổi tiểu học, một trong những giai đoạn quan trọng cho sự phát triển về thể trạng chiều cao và sức khỏe của trẻ rất cần chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Bữa ăn học đường nói chung và xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng nói riêng không chỉ là giải pháp cho vấn đề dinh dưỡng, hỗ trợ sức khỏe trong học tập, mà còn trong phát triển thể chất của các em. Việc cung cấp bữa ăn hợp lý với đầy đủ dinh dưỡng là vấn đề cần thiết của các bếp ăn ở trường học. Các nhà trường cần chú trọng khẩu phần ăn với đa dạng thành phần thực phẩm cho các cháu. Bộ thực đơn chuẩn của Công ty Ajinomoto Việt Nam phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia và Bộ GD-ĐT, đã được nhiều trường tiểu học áp dụng hiện nay, bảo đảm đa dạng về thực phẩm, giúp học sinh tiểu học cải thiện về mặt thể chất và dinh dưỡng. 

Nâng cao chất lượng bữa ăn học đường là một trong những nội dung trọng tâm của chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Những năm qua, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng SDDTC và thiếu VCDD cho các độ tuổi học sinh, như tỷ lệ SDD trẻ em đã giảm nhanh (SDD thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2020 tỷ lệ SDD nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13,8%). Việt Nam cũng đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A, tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu chất sắt và thiếu các VCDD khác ngày càng được cải thiện. Tuy vậy, nước ta vẫn đang phải đối mặt với những thách thức, như tỷ lệ SDDTC vẫn còn ở mức cao, chiếm tới 23,4% trong độ tuổi. 

Với nhu cầu học 2 buổi/ngày và ăn bán trú ở trường ngày càng tăng, để bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) bữa ăn học đường cho học sinh cần có sự phối hợp kiểm soát nghiêm ngặt từ phía nhà trường, từ hội phụ huynh học sinh và từ các cơ quan quản lý liên quan. Theo đó, nhằm bảo đảm vệ sinh ATTP bữa ăn học đường, các trường cần thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên nhà bếp, tổ chức bếp ăn theo quy trình một chiều; bảo đảm điều kiện vệ sinh khu chế biến, nguồn nước an toàn. Cần trang bị các phương tiện kỹ thuật giúp đánh giá chính xác hơn, lượng hóa các giá trị dinh dưỡng của bữa ăn cho các em học sinh. Bên cạnh đó, nguồn hàng thực phẩm cần phải bảo đảm tươi sống, được ký kết với các cơ sở cung cấp uy tín, có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, tăng cường giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi học đường, hình thành thói quen ăn uống tích cực, hợp lý trong suốt những giai đoạn tiếp theo.

HOÀNG LÊ

 
;
.