Bạn vừa du lịch Đà Lạt về hẹn cà phê rồi khoe bộ ảnh với cảnh đẹp Đà Lạt. Bạn kể mỗi năm bạn du lịch Đà Lạt 5-6 lần. Lần gần đây nhất là cuối tháng 8, bạn đi cùng gia đình. Lưu lại Đà Lạt 4 ngày, bạn đến rất nhiều điểm tham quan, chụp không biết bao nhiêu ảnh đẹp. Tưởng là hết rồi, nhưng chưa đầy 1 tháng sau thấy trên các trang mạng xã hội xuất hiện thêm hàng loạt điểm săn ảnh mới, tranh thủ 2 ngày cuối tuần đầu tháng 11, bạn rủ nhóm bạn tiếp tục lên Đà Lạt “sống ảo”. Bạn bảo, đi lại Đà Lạt giờ rất thuận tiện. Đặt xe khách hoặc thuê xe hợp đồng lúc nào chẳng có. Lên xe ngủ một mạch là đến.
Thật ra, khi bạn say sưa kể về Đà Lạt, đó chính là sự thăng hoa cảm xúc bạn tìm thấy trong chuyến du lịch. Sự thăng hoa đó nhờ khí hậu mát mẻ, thiên nhiên hữu tình của xứ cao nguyên mộng mơ mang lại và trong đó con người đóng góp không nhỏ.
Con người hay nói chính xác là cộng đồng kinh doanh du lịch tại Đà Lạt đã góp phần làm cho Đà Lạt đi hoài không chán với các điểm dịch vụ kết hợp chụp ảnh mới liên tục ra đời, cho du khách những bức ảnh check-in lung linh bên núi, bên đồi. Đáng chú ý, tận mục sở thị những điểm check-in ấy sẽ thấy công sức, tiền bạc không đáng bao nhiêu.
Anh bạn tôi có một điểm du lịch nông nghiệp ở Đà Lạt cũng xác nhận điều này. Anh có hơn 500m2 đất nông nghiệp ở rìa TP.Đà Lạt. Trước đây chỉ trồng rau. 2 năm nay, nhận thấy du khách đổ dồn về Đà Lạt nhiều, anh thiết kế lại vườn, trồng thêm hoa, đầu tư thêm một số tiểu cảnh như: nấc thang lên thiên đường, xích đu, cầu vồng, nhà tổ chim, hoa anh đào… Khoản tôn tạo mặt bằng, mua vật tư, đăng ký kinh doanh, quảng cáo, chi phí tiếp thị điểm đến với các đơn vị lữ hành… hết khoảng 200 triệu đồng. Với giá bán vé vào cổng 40 ngàn đồng/người, bình quân mỗi ngày anh thu 5 triệu đồng. Chỉ sau 3 tháng đón khách, trừ chi phí thuê mướn nhân công, anh thu hồi vốn. 6 tháng sau, khi thấy khách vắng dần, anh lại thiết kế lại khuôn viên, bổ sung thêm tiểu cảnh mới. Vốn đầu tư ít, làm giản đơn nhưng thu hút khách đến đều đều.
Nhìn về BR-VT, vài năm gần đây, bộ mặt du lịch đã cải thiện đáng kể. Hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng và ngày càng cao cấp. Môi trường tự nhiên sạch đẹp, người kinh doanh du lịch cũng chú trọng xây dựng nét văn hoá, văn minh và uy tín trong đón tiếp phục vụ khách. Các điểm đến đáp ứng nhu cầu tham quan, ngoạn cảnh nhen nhóm hình thành. Có thể kể đến một số KDL ven biển như: Hương Phong-Hồ Cốc Beach Resort, The Grand Hồ Tràm Resort & Casino, Carmelina Beach Resort, Melia Hồ Tràm thường xuyên tôn tạo khuôn viên, mảng xanh, hoa cỏ và thiết kết nhiều tiểu cảnh như cầu treo, đèn lồng, hồ nước, vườn rau, xích đu, trái tim hoa hồng… để du khách chụp ảnh lưu niệm. Ở các địa bàn xa biển như Bà Rịa, Châu Đức cũng xuất hiện một số vườn hoa, vườn trái cây, điểm du lịch nông nghiệp cho du khách tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh đó, những thắng cảnh tự nhiên như: Đồi con heo, cổng trời mũi Nghinh Phong, hàng gòn trên đường lên Hải Đăng, Đèo Nước Ngọt… khi được các trang mạng xã hội chia sẻ đã tạo nên cơn “sốt” trong cộng đồng du lịch.
Tuy nhiên, sau một thời gian đông đúc các địa điểm trên dần vắng vẻ và rơi vào lãng quên vì nhàm chán hoặc không được tôn tạo, trong khi điểm đến mới không có.
Thị hiếu du lịch hiện nay là “check-in” lưu lại kỷ niệm về điểm đến và tương tác trên mạng xã hội. Với chiều dài hơn 100km bờ biển đang được khai thác làm du lịch và vị trí địa lý với đầy đủ hình thái địa hình biển, rừng, núi đồi, sông, hồ hùng vĩ, nếu biết chăm chút đầu tư đáp ứng trào lưu “sống ảo” của số đông du khách chắc chắn du lịch BR-VT sẽ tạo hấp lực thu hút du khách.
Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Du lịch, lãnh đạo TP.Vũng Tàu mong muốn thông qua Sở Du lịch kiến nghị UBND tỉnh có hình thức thu hút đầu tư phù hợp vào những vị trí có cảnh quan đẹp trên địa bàn, đồng thời động viên, khuyến khích các DN du lịch thiết kế thêm những không gian duyên dáng cho du khách lưu lại khoảnh khắc đẹp, đánh vào cảm xúc trải nghiệm, khiến du khách lưu luyến khi rời đi và luôn mong muốn quay trở lại sớm nhất. Làm được điều trên, tin chắc du lịch BR-VT sẽ nổi danh.
TRẦN HIỀN