Có hơn 1.000m2 trồng đậu đen xanh lòng, trước đây ông Cao Văn Dũng (tổ 6, ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) luôn phải lo lắng tìm đầu ra. Thế nhưng câu chuyện tiêu thụ sản phẩm đến nay đã khác. Với cái “bắt tay” giữa ông Cao Văn Dũng và Công ty Mộc Thanh Trà, toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch đã được doanh nghiệp (DN) này bao tiêu với giá từ 40-43 ngàn đồng/kg.
Con đường từ sản xuất đến tiêu thụ được rút ngắn lại bởi cái “bắt tay” giữa người nông dân và DN. Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có nhiều hơn các hợp đồng ký kết tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và DN theo phương thức đôi bên cùng có lợi. DN chủ động nguyên liệu đầu vào, nông dân yên tâm sản xuất, không phải lo lắng đầu ra. Quan trọng hơn, với yêu cầu khắt khe về chất lượng, nông dân cũng từng bước thay đổi tư duy sản xuất sạch và an toàn. Có thể kể đến các hợp đồng gần đây đã được ký kết như Tập đoàn Lộc Trời và HTX nông nghiệp, dịch vụ An Nhứt (huyện Long Điền), thu mua sản phẩm lúa trong 3 năm, bắt đầu từ vụ Đông Xuân 2020-2021 đến hết năm 2023. Tập đoàn này cũng cam kết cung ứng các dịch vụ đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV), đồng thời trực tiếp xuống HTX hướng dẫn nông dân sản xuất. Hoặc Công ty TNHH LTD Trí Nguyễn (tỉnh Đồng Nai) ký kết với nông dân trồng bắp lấy thân tại xã Bình Giã, huyện Châu Đức, bắt đầu từ năm 2020 đến năm 2025, thu mua 3.000 tấn mỗi năm…
Việc nông dân “bắt tay” liên kết cùng DN được cho là cách làm hợp lý để giải quyết được tình trạng bế tắc trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, DN còn cung cấp nguyên liệu, vật tư không lãi suất trong suốt mùa vụ, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân. Đồng thời, nhờ liên kết mà ý thức của nông dân cũng thay đổi tích cực. Họ không lạm dụng phân hóa học, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ và không dùng “một giọt thuốc trừ sâu”. Tuy nhiên, với một địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp như BR-VT thì các hợp đồng ký kết giữa nông dân và DN còn quá ít. Do đó, tình trạng đến vụ thu hoạch nhiều nông sản lâm vào tình trạng “rớt giá” phải đổ bỏ vẫn còn diễn ra.
Phải khẳng định, việc “bắt tay” giữa nông dân với DN đã và đang được xem là một trong các giải pháp tối ưu để giúp ngành nông nghiệp phát triển. Thế nhưng trên thực tế, làm thế nào để chuỗi liên kết giữa nông dân và DN có hiệu quả lại là bài toán không đơn giản. DN liên kết, hợp tác với nông dân trên cơ sở hợp đồng quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các bên tham gia. Để hoạt động kết nối mang lại hiệu quả vẫn còn nhiều “nút thắt” chưa được tháo gỡ… Vẫn còn tình trạng nông dân khi thấy nông sản được giá, hoặc giá thị trường cao hơn với giá cam kết đã “xù” hợp đồng. Vẫn còn những câu chuyện nông dân và DN chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh. Việc phát triển sản xuất quy mô lớn chưa trở thành phổ biến khiến cho DN không mấy “mặn mà” bắt tay với nông dân do không đủ sản lượng theo yêu cầu.
Do đó, để sự hợp tác này có hiệu quả và bền vững, cần chú trọng đến lợi ích của nông dân và DN nhận được trong quá trình liên kết. Vì đây là động lực quan trọng giúp duy trì, mở rộng và tạo tính bền vững trong liên kết kinh tế giữa DN và nông dân. Bên cạnh đó, về lâu dài chính quyền địa phương cần phải có sự tác động, can thiệp nhất định để nông dân nâng cao tính chuyên nghiệp, tác phong công nghiệp, tạo nên nền tảng cơ bản, bền vững trong mối quan hệ với DN nói riêng và mục tiêu mang lại lợi nhuận trong phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung.
NGÔ GIA