Báo BR-VT số ra ngày 11/11/2020 có đăng bài “Dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường: Chưa đủ quyết liệt để thắng sự thiếu ý thức”. Bài báo cho biết, cuối tháng 10 vừa qua, hàng trăm trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở TP. Vũng Tàu đã bị lập biên bản, tạm giữ phương tiện và bị xử phạt sau khi các lực lượng chức năng mở đợt cao điểm lập lại trật tự đô thị. Vậy nhưng chỉ một thời gian ngắn, mọi thứ lại trở về như cũ. Không biết bao lần, điệp khúc “tái chiếm” vỉa hè, lòng đường đã diễn ra theo cách như vậy.
Những bất cập của công tác quản lý vỉa hè, lòng đường ở TP. Vũng Tàu cũng là “chuyện dài chưa hồi kết” của nhiều đô thị trong cả nước, đặc biệt là 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Không phải chỉ một lần mà hàng chục lần ra quân giành lại vỉa hè, tiến hành nhiều biện pháp mạnh như tịch thu phương tiện, hàng hóa của người buôn bán lấn chiếm vỉa hè, xử phạt vi phạm hành chính, lực lượng chức năng cũng đều “thất thủ”. Khi đoàn kiểm tra “lui quân” thì mọi chuyện lại như cũ. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nếu cứ “giành” lại vỉa hè theo kiểu “rượt đuổi” giữa cơ quan chức năng và người vi phạm, thiếu một giải pháp tổng thể, bền vững thì “cuộc chiến vỉa hè” sẽ còn mãi ở thế giằng co, việc dọn dẹp, chấn chỉnh nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cũng chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”.
Vỉa hè là bộ phận quan trọng trong cấu trúc không gian đô thị. Bên cạnh chức năng chính là không gian đi bộ, vỉa hè đô thị còn được sử dụng cho mục đích kinh doanh. Từ rất lâu, “kinh tế vỉa hè” là một phần tự nhiên của đời sống đô thị, cho dù chưa được đề cập “chính danh” trong chính sách kinh tế - xã hội của các đô thị. Giữ gìn nét đặc trưng của vỉa hè sẽ giúp cân bằng và hài hòa được nhiều nhu cầu thực tế, nhất là việc giải quyết việc làm, thu nhập… cho một bộ phận cư dân đô thị. Vậy nên, không khó để lý giải tại sao “kinh tế vỉa hè” vẫn tồn tại cho dù có rất nhiều đợt ra quân của các lực lượng chức năng nhằm lập lại trật tự kỷ cương đô thị. Từ cách tiếp cận đó, rõ ràng cần phải có những ứng xử thích hợp với “kinh tế vỉa hè”, để không làm mất đi kế sinh nhai của người dân vừa có thể bảo đảm được mỹ quan đô thị, giúp hình thành những tuyến phố đặc thù, trở thành một “đặc sản” cho du lịch và mang lại nguồn thu cho ngân sách. Tất nhiên, một đô thị văn minh không chấp nhận những cảnh mua bán nhếch nhác, mất vệ sinh, ùn tắc giao thông, nước bẩn và rác thải được người bán xả ngay trên vỉa hè hoặc sát lề đường. Do vậy, cơ quan chức năng cần phải triển khai nhiều biện pháp quản lý phù hợp không để phát sinh những hệ lụy không tốt.
Thay vì ra quân kiểm tra xử phạt, triệt tiêu đặc điểm của đời sống đô thị, chính quyền và các lực lượng cơ quan chức năng nên để “kinh tế vỉa hè” tồn tại, đáp ứng nhu cầu mưu sinh của một bộ phận dân cư. Việc sử dụng vỉa hè cần được xem xét trên từng tuyến đường phù hợp, tạo không gian sinh hoạt hấp dẫn cho cộng đồng. Giải pháp tốt nhất vẫn là xây dựng quy chuẩn không gian vỉa hè, xác định vỉa hè nào dành cho đi bộ, vỉa hè nào cho phép buôn bán, kinh doanh; Khu vực nào được phép đậu xe, trông xe với những quy định, tiêu chí hết sức rõ ràng, cụ thể. Giải quyết tốt bài toán “kinh tế vỉa hè” sẽ khắc phục những những hoạt động mua bán nhếch nhác, lộn xộn, tạo ra những không gian văn hóa đặc sắc, những giá trị văn hóa phong phú của vỉa hè sẽ được phát huy.
Một đô thị văn minh, phát triển là một đô thị mà ở đó chính quyền và các lực lượng chức năng thiết lập và sắp xếp hài hòa các mối lợi ích: vấn đề mưu sinh của người dân, trật tự, mỹ quan đô thị, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách.
Có thể nói mà không sợ quá lời rằng, quy hoạch - xắp xếp - quản lý hài hòa mạch sống của “kinh tế vỉa hè”, bảo đảm trật tự, mỹ quan đô thị thể hiện tầm nhìn, năng lực quản lý của chính quyền và các lực lượng chức năng.
NGUYỄN TRIỆU HẢI