Thi đua là động lực phát triển

Thứ Năm, 15/10/2020, 20:46 [GMT+7]
In bài này
.

Cách nay 72 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Lời kêu gọi của Người nhằm động viên đồng bào, chiến sĩ phát huy truyền thống yêu nước, thực hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, góp công, góp của vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước. Theo Người, mục đích của thi đua ái quốc là nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân dân, toàn dân đủ ăn mặc; toàn dân biết đọc, biết viết; toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt giặc ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn. 

Thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, nhiều phong trào thi đua đã xuất hiện nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Theo đó, tiền tuyến có phong trào thi đua của tiền tuyến: “Xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ”, “Quyết thắng giặc Mỹ”. Hậu phương có phong trào thi đua của hậu phương: Thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… Khí thế sôi nổi của những phong trào thi đua trong hai cuộc kháng chiến đã đóng góp to lớn vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam, đưa đất nước đi đến hòa bình, thống nhất.

Ngày nay, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Các phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, trong mọi ngành, mọi giới, phù hợp với đặc điểm và điều kiện của từng ngành, từng giới, từng địa phương. Ở quy mô toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ phát động 4 phong trào thi đua: Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau; Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển; Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở. MTTQ và các đoàn thể cũng phát động những phong trào, cuộc vận động riêng: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Đền ơn đáp nghĩa; Ngày vì người nghèo; Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Cựu chiến binh gương mẫu; Dạy tốt-học tốt; Cải cách hành chính... 

Qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện hàng ngàn, hàng vạn tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, mô hình mới, cách làm hay được biểu dương và nhân rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những phong trào thi đua yêu nước đó đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân. Nhiều người nghèo đã được giúp đỡ, tạo điều kiện và cơ hội vươn lên thoát nghèo; nhiều HS nghèo được tiếp sức đến trường. Thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức ngày càng được cải thiện. Kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn từng bước hoàn chỉnh, khang trang. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất được áp dụng, làm lợi cho DN và đất nước hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, công tác thi đua, khen thưởng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Thi đua không gắn với biểu dương, khen thưởng; tỷ lệ khen thưởng cán bộ lãnh đạo, quản lý còn cao, trong khi tỷ lệ khen thưởng cho công chức, viên chức, người lao động trực tiếp còn ít nên chưa tạo được động lực thi đua. 

Do vậy, để công tác thi đua tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, các hoạt động thi đua phải đi vào thực chất, gắn với việc giải quyết yêu cầu bức thiết trong công việc và đời sống. Công tác khen thưởng phải minh bạch, công khai, dân chủ, đúng người, chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp và phải được bình chọn từ cơ sở. 

Thực tế cho thấy, ở nơi nào, cơ quan, đơn vị, DN nào, công tác thi đua, khen thưởng được coi trọng, công tâm, khách quan, thì ở nơi đó khí thế thi đua sôi nổi, tạo hiệu ứng tích cực với hiệu quả công việc cao và ngược lại. Thi đua gắn với khen thưởng đúng người, đúng việc và kịp thời sẽ tạo động lực để người lao động phấn đấu, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương, đơn vị và vào sự phát triển chung của đất nước. 

NGUYỄN ĐỨC

 
;
.