Đưa việc hát karaoke bằng loa di động vào khuôn khổ

Thứ Ba, 13/10/2020, 19:40 [GMT+7]
In bài này
.

Báo BR-VT số ra ngày 9/10/2020 đăng tin “Huyện Côn Đảo gửi thư ngỏ đề nghị các cơ sở kinh doanh không hát karaoke bằng thùng loa di động”. Nội dung thư kêu gọi các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, quán ăn, lữ hành, vận chuyển khách chung tay phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền đến khách du lịch, người thuê phòng trọ không tham gia hoạt động hát karaoke bằng thùng loa di động, không để các hoạt động sử dụng loa di động rao bán sản phẩm lồng ghép với giao lưu văn nghệ tại cơ sở mình quản lý. Các cơ sở cần hạn chế và tiến đến chấm dứt tình trạng trên nhằm bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở, nâng cao ý thức của khách du lịch và người dân, góp phần đem lại môi trường sống bình yên, trong lành cho nhân dân và giữ gìn văn minh đô thị trên địa bàn huyện.

Thông tin “đụng” đến “nỗi lòng” của nhiều người, thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Dư luận tỏ thái độ đồng tình với cách làm của lãnh đạo huyện Côn Đảo, cho rằng đây là một biện pháp cần thiết nhằm tuyên truyền để DN, hộ kinh doanh và người dân hiểu đúng, đầy đủ về một “loại hình văn hoá văn nghệ”, phải hạn chế, tiết giảm tiếng ồn, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của cộng đồng dân cư. Mặt khác cũng khuyến cáo hành vi gây tiếng ồn vượt mức giới hạn cho phép sẽ bị xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Karaoke loa thùng, loa kéo gây ồn ào trong khu dân cư đã nhiều lần lên bàn họp của ban, ngành, đoàn thể nhiều tỉnh, thành phố thời gian qua. Cử tri cũng bày tỏ bức xúc qua các ý kiến, kiến nghị gửi các kỳ họp của HĐND nhiều địa phương, nhưng tình trạng hát karaoke bằng loa thùng di động, gây ồn ào, mất trật tự trong các khu dân cư vẫn không giảm. Không ít chuyện mích lòng, mâu thuẫn, cãi vã, thậm chí án mạng đã xảy ra mà nguyên nhân là một số chính quyền địa phương còn thờ ơ, thiếu kiên quyết trong việc xử lý vấn nạn này. Khi dư luận đặt vấn đề, người ta thường được nghe những điệp khúc kêu khó “ không có đủ thiết bị đo tiếng ồn”, “khó bắt quả tang người vi phạm” khiến việc kiểm soát, xử lý tiếng ồn do karaoke loa thùng, loa kẹo kéo sớm đi vào ngõ cụt.

Âm thanh chát chúa từ những thùng loa “kẹo kéo”, dàn karaoke di dộng vang lên bất kể ngày đêm đã khiến loại hình giải trí “hát cho nhau nghe” trở thành một công cụ tra tấn xã hội vô đối. Lên tiếng thì mích lòng, mất tình làng nghĩa xóm; Góp ý, phê bình thì xung đột, án mạng xảy ra. Nhiều người buộc phải rút ra một ứng xử tiêu cực: nhắm mắt làm ngơ, không góp ý với những người hát karaoke như tra tấn người khác khi họ đã có… hơi men.

Hát karaoke làm thăng hoa đời sống tinh thần con người nếu nó diễn ra trong mỗi gia đình với liều lượng âm thanh vừa đủ, thời gian sử dụng hợp lý. Nhưng nếu hát hò mà “một nhóm người vui, nhiều người không khỏe” thì dứt khoát phải chấn chỉnh.

Đã đến lúc đưa việc hát karaoke di động vào khuôn khổ pháp luật. Người dân mong chờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Không thiếu các giải pháp để kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn từ hát karaoke: Gửi thư ngỏ đề nghị các cơ sở kinh doanh không hát karaoke bằng thùng loa di động như UBND huyện Côn Đảo đang làm; Đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng thùng loa đi động vào Hương ước, Quy ước của khu phố, ấp để nhắc nhở người dân tự giác thực hiện. Pháp luật cũng đã có chế tài đầy đủ và cụ thể đối với tiếng ồn từ karaoke. Theo đó, hát karaoke gây ra tiếng ồn lớn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 160 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm; Tịch thu phương tiện, thậm chí xử lý hình sự nếu vi phạm nhiều lần.

Nạn “tra tấn” bằng tiếng ồn phải bị dẹp bỏ tận gốc. Hát karaoke bằng thùng loa di động gây nhiều bất an cho khu dân cư không còn là chuyện nhỏ so với nhiều vấn đề dân sinh khác. Dưới mắt người dân, đó chính là thước đo hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.

NGUYỄN HƯNG NHƠN

;
.