Sau hơn một năm thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương (RTNĐD) do Thủ tướng Chính phủ phát động, đến nay, nước ta đã thu được những kết quả bước đầu, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người dân. Các ngành, các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực và chủ động tăng cường công tác tuyên truyền làm thay đổi hành vi và cách ứng xử với rác thải nhựa (RTN) và RTNĐD trong cộng đồng dân cư.
Với mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải đại dương; 100% số ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn không còn RTN … đòi hỏi các địa phương, các đơn vị du lịch, các cơ sở đánh bắt hải sản ven biển cần thực hiện có hiệu quả việc thu gom, phân loại, xử lý và kiểm soát các nguồn RTN, RTNĐD từ đất liền ra biển, từ các hoạt động ven biển, trên biển và tại các hải đảo. Thực tế cho thấy, lượng tiêu thụ các loại sản phẩm nhựa ở nước ta hiện đang tăng lên một cách nhanh chóng, vào khoảng 5 triệu tấn/năm, trong đó, 80% là nguyên liệu nhựa nhập khẩu.
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, bình quân tiêu thụ các sản phẩm nhựa ở nước ta vào thời điểm hiện tại là 41 kg/người/năm, gấp hơn 10 lần so với lượng tiêu thụ 3,8 kg/người vào năm 1990. Một số địa phương ven biển, như: Tp. Hồ Chí Minh, BR-VT, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Phòng, Quảng Ninh … vẫn còn rất nhiều RTN, RTNĐD trôi nổi trên biển từ các nguồn chất thải đô thị, chất thải từ sinh hoạt, từ các hoạt động du lịch, từ sản xuất nông nghiệp, đánh bắt-nuôi trồng hải sản ven biển và giao thông vận tải biển. Chỉ tính riêng tại TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), mỗi ngày địa phương này thu gom được hơn 7 tấn chất thải để đưa vào bờ xử lý (trong đó, chủ yếu là RTN và túi nilon).
Qua khảo sát tại một số địa phương ven biển, công tác thu gom, xử lý RTN, RTNHĐD vẫn chưa được chính quyền các địa phương, các ngành nghề sản xuất, kinh doanh ven biển đầu tư đúng mức, nên hiệu quả đạt chưa cao. Hoạt động phân loại, tái chế RTN vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và chưa có các chế tài đủ mạnh để hạn chế việc sử dụng và phát sinh RTN, RTNĐD. Mặc dù, phần lớn cộng đồng cư dân ven biển đều nhận thức được vấn đề ô nhiễm RTN, đã được tiếp xúc với các loại hình truyền thông về tác hại của RTN, RTNĐD và phần nào sẵn sàng thay đổi thói quen sử dụng các bao bì nhựa, nilon…. Thế nhưng, đa số người dân vẫn chưa thực sự đồng tình, vẫn chưa thực sự vào cuộc một cách quyết liệt đối với chính sách giảm và thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, việc thu gom RTN, RTNĐD không phải là việc của họ, mà là công việc của các công ty vệ sinh, môi trường.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) của Đảng về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển” cũng đã nêu rõ, ô nhiễm RTN, RTNĐD trên biển không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và hệ sinh thái biển, mà còn trực tiếp tác động xấu tới các hoạt động kinh tế và cộng đồng dân cư ven biển. Do đó, để hạn chế đến mức thấp nhất vấn nạn ô nhiễm môi trường từ RTN, RTNĐD, các cấp chính quyền, lãnh đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh các ngành nghề ven biển cần đẩy mạnh hơn nữa các cam kết giảm thiểu RTN và cần hành động quyết liệt để giải quyết vấn nạn RTN, RTNĐD tại địa phương, đơn vị mình. Chú trọng vào việc thực hiện các chính sách giảm thiểu phát sinh RTN từ người tiêu dùng, từ các cơ sở sản xuất và kinh doanh ven biển. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phân loại RTN để tái chế; nâng cao tần suất, tỷ lệ thu gom và xử lý một cách hiệu quả RTN, RTNĐD. Bên cạnh đó, cần có sự kết hợp hài hòa và ưu tiên hợp lý các giải pháp chính sách, các giải pháp kinh tế và truyền thông, nhằm đem lại kết quả tốt nhất trong việc quản lý RTN, RTNĐD.
HOÀNG LÊ