Dư luận đang quan tâm đến thông tin TP.Hà Nội triển khai chủ trương hỗ trợ tiền để đổi xe máy cũ lấy xe mới nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát khí thải do các xe máy hết “đát” thải ra môi trường. Được biết, trong số 5,7 triệu xe máy đang lưu hành ở Hà Nội có đến 2,5 triệu xe đăng ký trước năm 2000, nay đã cũ nát cần phải thu hồi.
TP.Hà Nội đã từng lên nhiều phương án để quản lý, tiến tới loại những chiếc xe máy cũ nát ra khỏi hệ thống giao thông. Đó là thu phí môi trường thông qua dán tem các mức xanh, vàng, đỏ; Thu hồi, loại bỏ xe không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật hoặc mức phát thải môi trường vượt quá ngưỡng cho phép, không có các biện pháp khắc phục; Đến năm 2025 sẽ thí điểm cấm xe máy vào giờ cao điểm các ngày làm việc trong tuần trên nhiều tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố tiến tới năm 2030 cấm hoàn toàn xe máy trong nội thành. Nhưng rồi, các chủ trương, giải pháp đều phải gác lại bởi lẽ đây là “vấn đề lớn”, nhạy cảm, phức tạp liên quan đến những lao động nghèo. Họ muốn đổi xe nhưng hoàn cảnh không cho phép.
Không hẹn mà gặp, thời điểm này TP.Hồ Chí Minh cũng triển khai đề án kiểm soát khí thải xe gắn máy, tiến tới thải loại các xe máy cũ nát. Thực hiện tốt việc này, có thể giúp TP.HCM giảm tới 30% tình trạng ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, quan điểm của Sở GT-VT TP.Hồ Chí Minh là không ủng hộ đổi xe cũ lấy xe mới vì như thế số lượng xe sẽ không giảm. Giải pháp ưu tiên hàng đầu của thành phố này là khuyến khích thu hồi xe cũ kém chất lượng, mất an toàn để kiểm soát khí thải. Nhà sản xuất có thể thu hồi xe và hỗ trợ thêm cho người dân chứ không phải đổi xe.
Không chỉ riêng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, tin chắc trong tương lai không xa, các tỉnh, thành khác cũng sẽ có chủ trương loại bỏ xe máy cũ nát nhằm bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tại BR-VT, không khó để bắt gặp những chiếc xe máy quá “đát” chở hàng hóa cồng kềnh xịt khói mù mịt trên đường. Xe máy cũ nát cũng chiếm một con số không nhỏ trong các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn. Loại bỏ xe máy hết “đát” do vậy là xu hướng tất yếu.
Trở lại với chương trình thí điểm đổi xe cũ lấy xe mới của TP.Hà Nội. Nhiều người nói “rằng hay thì thật là hay” nhưng việc thực thi xem ra không dễ. Điều mà dư luận quan tâm là tiền hỗ trợ lấy từ đâu? Việc lấy nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước về bảo vệ môi trường để hỗ trợ người dân đổi xe theo đề xuất là không hợp lý.
Các chuyên gia kinh tế và giao thông thì cho rằng chủ trương đổi xe cũ lấy xe mới trái với mục tiêu giảm bớt xe gắn máy, tiến tới cấm xe máy vào nội đô mà Hà Nội đang theo đuổi. Do vậy, thay vì hỗ trợ người dân đổi từ xe máy cũ sang xe máy mới, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh nên khuyến khích người dân sử dụng các dòng xe thân thiện với môi trường, đồng thời phát triển hệ thống xe buýt, buýt nhanh, đường sắt đô thị, xe đạp công cộng…
Thu hồi xe máy cũ nát không phải là chuyện của một địa phương nào mà là chung của cả nước. Để thực hiện tốt việc này, các bộ, ngành chức năng cần sớm xây dựng và ban hành quy định để quản lý chất lượng xe máy đang lưu hành, xây dựng lộ trình phù hợp, tiến tới thu hồi, loại bỏ phương tiện hết niên hạn sử dụng. Dựa vào thực tế đặc thù, từng địa phương xây dựng giải pháp hạn chế xe cá nhân, loại bỏ xe cũ nát, đồng thời phát triển hạ tầng giao thông và đầu tư mạnh mẽ cho vận tải công cộng - đặc biệt là hệ thống xe buýt, trên những tuyến đường có luồng hành khách lớn đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Một khi xe buýt được đầu tư, xây dựng thành phương tiện công cộng chủ lực đầy đủ các tiện nghi, an toàn, sạch sẽ, chạy đúng giờ, những nụ cười thân thiện của lái xe, phụ xe, người dân sẽ vui vẻ từ bỏ chiếc xe máy, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường…
NGUYỄN HƯNG NHƠN