Năm học mới và những chuyện cũ

Thứ Sáu, 11/09/2020, 15:55 [GMT+7]
In bài này
.

Đầu năm học nào cũng vậy, khắp nơi lại rộ lên chuyện các khoản chi tiêu cho con em đến trường. Những vấn đề cũ nhưng luôn là chủ đề nóng hổi được nhiều phụ huynh quan tâm bàn tán, từ trong nhà, ngoài phố đến công sở và đặc biệt là trên mạng xã hội. Đó là chuyện mua SGK, là chuyện mua đồng phục HS, là các khoản đóng góp, nhất là những khoản đóng góp mang tên “tự nguyện”.

Chị bạn tôi có 2 con đang học tại một trường tiểu học “điểm” của thành phố. Chị làm công chức, chồng làm việc cho một DN nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên từ đầu năm đến nay anh bị giảm việc dẫn đến giảm thu nhập. Trước khi vào năm học mới, chị đã tiết giảm tối đa các khoản chi tiêu trong gia đình để dành tiền mua sắm quần áo, đồ dùng học tập cho con. Vậy mà chị cũng mất hơn tháng lương để lo cho các con vào năm học mới. Chưa hết, cháu út năm nay vào lớp 1, phải đóng góp nhiều khoản tự nguyện như: lắp máy lạnh phòng bán trú, quỹ lớp, quỹ trường, ủng hộ trường xây dựng cảnh quan… Ai đóng ít thì giáo viên chủ nhiệm bóng gió “lớp mình là lớp chọn mà đóng quỹ thua các lớp khác thì khó coi lắm”.

Tiền mua SGK, sách tham khảo, đồng phục…cũng tiêu tốn khoản tiền không nhỏ của phụ huynh. Với những gia đình có nguồn thu nhập ổn định hay kinh tế khá giả, các khoản chi tiêu đầu năm học cho con có thể không ảnh hưởng gì, nhưng với những gia đình lao động nghèo, thu nhập bấp bênh, những khoản đóng góp, mua sắm đầu năm học cho con thực sự là một gánh nặng. Nhiều phụ huynh có 2-3 con đang trong độ tuổi đi học phải chạy đôn chạy đáo vay mượn hay bán bớt nông sản, vật nuôi để có tiền lo cho con đến trường. Nhưng cũng nhiều phụ huynh không thể lo được những khoản đóng góp đó, đành chọn giải pháp cho con nghỉ học. 

Đầu năm học nào, Bộ GD-ĐT, chính quyền và ngành GD-ĐT các địa phương cũng có văn bản chỉ đạo các nhà trường không lạm thu các khoản đóng góp và kèm theo các điều khoản răn đe, xử lý kỷ luật lãnh đạo những đơn vị làm sai. Trong thực tế, rất hiếm hiệu trưởng nào bị xử lý, kỷ luật vì lạm thu, bởi các khoản thu ngoài quy định được gắn cho cái mác “tự nguyện” và được hợp lý hóa thông qua vai trò của hội cha mẹ HS dưới tên gọi quỹ lớp, quỹ trường. Ngoài việc dùng để khuyến học, khuyến tài và phục vụ trực tiếp việc học tập của HS, nhiều khoản đóng góp tự nguyện còn được nhà trường dùng để chi tôn tạo cảnh quan, trang bị, thay thế đồ dùng trong nhà trường…  

Việc kêu gọi đóng góp được hội cha mẹ HS phát động trong buổi họp phụ huynh đầu năm (và đầu học kỳ II) hoặc khi có nhu cầu đột xuất. Gọi là tự nguyện, nhưng mức đóng thường được ấn định từ mức thấp nhất là bao nhiêu. Với tâm lý sợ con mắc cỡ, bị bạn bè chê cười vì đóng góp ít hoặc vì ngại nêu ý kiến nên hầu hết phụ huynh đều nhắm mắt cho qua. Những phụ huynh có điều kiện thì sẵn sàng đóng góp nhiều hơn, luôn đi đầu trong hoạt động tài trợ cho trường, lớp và trở thành mạnh thường quân của lớp, của trường.

Để tạo điều kiện cho mọi HS đều được đến trường, bên cạnh sự quan tâm của nhà nước, chính quyền địa phương trong việc miễn giảm học phí, hỗ trợ một số khoản đóng góp, cộng đồng và DN đã chung tay giúp đỡ thông qua việc trao học bổng, đồ dùng học tập, đồng phục… cho HS. Nhưng, những khoản hỗ trợ này vẫn còn rất khiêm tốn và không thể lan tỏa đến tất cả những HS khó khăn trong cả nước. Do vậy, để mọi HS đều được đến trường và việc đến trường của HS không tạo gánh nặng cho phụ huynh, nhà trường cần hạn chế tối đa các khoản thu ngoài quy định. Đồng thời, nhà trường và hội khuyến học các cấp cần tăng cường kết nối, kêu gọi mạnh thường quân, DN trao học bổng, hỗ trợ đồ dùng học tập, giúp đỡ HS nghèo để các em được tiếp sức đến trường, không để HS bỏ học giữa chừng chỉ vì khó khăn hoặc vì các khoản đóng góp trái quy định.

NGUYỄN ĐỨC

 
;
.