Hiệu quả từ sự quyết liệt, đồng thuận

Thứ Tư, 02/09/2020, 19:37 [GMT+7]
In bài này
.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết, tốc độ giải ngân vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8 và tám tháng năm 2020 lần lượt tăng 45,4% và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Những con số thống kê trên cho thấy, đây là kết quả của sự quyết liệt vào cuộc từ  Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương trong việc đôn đốc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua. Ngay từ cuối tháng 6/2020, quá sốt ruột vì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt mức quá thấp, Chính phủ thành lập 7 đoàn công tác do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng các bộ chuyên ngành làm trưởng đoàn để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, địa phương, đã có nhiều chuyển biến so với năm 2019 và những tháng đầu năm nay. Bởi lẽ, chỉ có giải ngân tốt vốn đầu tư công mới góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giảm nguy cơ suy thoái trong bối cảnh khó khăn vì COVID-19.

Có được những chuyển biến cũng không thể không nói đến nhiều cách làm mới tại các địa phương, như việc lãnh đạo cao nhất đi từng công trình, hay sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, coi giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí đánh giá trách nhiệm và uy tín của người đứng đầu. Ngay tại BR-VT, công tác giao ban xây dựng cơ bản theo định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng quý để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ từng dự án được thực hiện nghiêm túc. Lãnh đạo tỉnh cũng tổ chức làm việc với từng địa phương để có chỉ đạo kịp thời, đôn đốc các sở, ngành liên quan nêu cao trách nhiệm, quyết liệt vào cuộc giải ngân vốn tại các công trình. Tỉnh cũng ưu tiên tập trung thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch vốn... Mục tiêu mà BR-VT đề ra là phấn đấu đến tháng 11/2020 phải hoàn tất việc giải ngân hết số vốn được giao theo kế hoạch.

Thực tế, không ít các dự án khi có sự quyết tâm chỉ đạo, triển khai từ các cấp quản lý đến các đơn vị thực hiện tại công trường, tiến độ giải ngân đã cho thấy kết quả rõ rệt. Dự án nút giao thông Trần Đồng - Trương Công Định - Lê Lai (TP. Vũng Tàu) là một ví dụ. Để khắc phục tình trạng ùn tắc cục bộ, bảo đảm an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, dự án nút giao thông này đã được phê duyệt tại Quyết định số 5258/QĐ-UBND ngày 27/10/2017. Tuy nhiên do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, đến tháng 2/2020 dự án này mới được khởi công xây dựng. Điều đáng nói ở đây là, lãnh đạo UBND TP.Vũng Tàu đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động, đối thoại giải thích để người dân hiểu và đồng thuận vì lợi ích chung. Thông tin từ lãnh đạo UBND TP.Vũng Tàu cho biết, dự kiến đầu năm 2021, nút giao thông Trần Đồng - Trương Công Định - Lê Lai sẽ hoàn thành, tạo nên một diện mạo mới khang trang cho thành phố, nhưng điều đặc biệt là việc đi lại của người dân sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công còn phải giải quyết cho được các điểm nghẽn, từng được Bộ KH-ĐT thống kê có đến 15 lý do từ khách quan đến chủ quan đã tồn tại “cố hữu” như: công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh toán một lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên…

Vẫn những khó khăn đó nhưng nếu chỉ chờ đợi mà không đi tìm hiểu cụ thể, không có cách làm quyết liệt để gỡ các nút thắt, thì không chỉ dự án kéo dài mà sẽ là sự đình trệ nhiều mặt. Việc quyết liệt trong việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. Đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa còn tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

NGÔ GIA

 
;
.