Hành vi gây phẫn nộ dư luận trong 2 ngày qua của các nhân viên quán cà phê Heaven (phường 1, TP. Vũng Tàu) khi xả rác xuống biển đã bị xử lý thích đáng: cơ quan chức năng TP. Vũng Tàu quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của quán, đồng thời xử phạt chủ quán và nhân viên tổng số tiền 35 triệu đồng.
Trên mạng xã hội facebook, nhiều người dân BR-VT đã lên án mạnh mẽ hành vi của các nhân viên này. Làm việc với cơ quan chức năng, cả nhân viên và chủ quán đều thừa nhận hành vi xả rác xuống biển là thiếu ý thức, là vi phạm pháp luật và cam kết không tái phạm. Những người yêu biển có quyền đặt câu hỏi: liệu đây có phải là lần đầu nhân viên quán cà phê này xả rác xuống biển hay đây chỉ là lần “xui rủi” nên mới bị phanh phui? Hy vọng rằng, hành vi đó chỉ là việc làm sai trái nhất thời, đúng như những gì họ đã nói khi làm việc với các cơ quan chức năng TP. Vũng Tàu.
Đại dương bao la nhưng không phải là vô tận. Từ nhiều năm nay, các tổ chức bảo vệ môi trường và nhiều quốc gia đã lên tiếng cảnh báo và kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ đại dương nói riêng và môi trường nói chung bằng cách không sử dụng đồ nhựa loại dùng một lần như túi nilon, ly nhựa. Các nhà nghiên cứu của tổ chức bảo vệ đại dương The Ocean Cleanup còn phát hiện có ít nhất 79 ngàn tấn rác thải nhựa trôi nổi ở “đảo rác” Thái Bình Dương. Đảo rác này nằm giữa Hawaii và California (Mỹ), trải rộng trên diện tích 1,6 triệu km2. Những “đảo rác” kiểu như vậy cũng xuất hiện khá nhiều trên các đại dương. Tại BR-VT, hàng năm TP. Vũng Tàu, huyện Côn Đảo và các huyện ven biển phải hứng chịu nhiều đợt rác thải đại dương (củi, chai, lọ, bao ni lông, hộp xốp, lưới cá…) tấp vào với khối lượng hàng trăm tấn. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều địa phương ven biển trong cả nước và là lời cảnh báo cho những hành vi xả rác bừa bãi: nếu không có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ đại dương, đến một ngày nào đó, đại dương sẽ tràn ngập rác.
Những năm qua, tỉnh BR-VT và TP. Vũng Tàu đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường biển. Từ năm 2016, TP. Vũng Tàu đã cấm ăn nhậu trên bãi biển và nơi công cộng. Nhờ đó, các bãi tắm biển và nơi công cộng ở TP. Vũng Tàu ngày càng sạch sẽ, không còn cảnh bao nilon, hộp xốp nổi lềnh bềnh trong nước biển - ngay cả vào những ngày cao điểm lễ, Tết - như nhiều năm trước. Đây cũng là một trong những tiêu chí giúp Vũng Tàu được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trao danh hiệu “Thành phố du lịch sạch ASEAN” đầu năm 2020.
Việc bảo vệ môi trường, bảo vệ biển là trách nhiệm chung của mọi người dân và du khách chứ không chỉ là trách nhiệm riêng của chính quyền, của các cơ quan chức năng. Vậy nhưng, những hình ảnh xâm hại môi trường vẫn diễn ra hàng ngày. Mỗi buổi chiều và tối, dạo một vòng trên tuyến đường ven biển Hạ Long-Quang Trung-Trần Phú (TP. Vũng Tàu), chúng ta sẽ thấy những hộp xốp, ly, chai nhựa được người dùng - phần lớn là người trẻ - bỏ lại trên bờ kè, dù thùng rác cách đó không xa. Tôi cũng nhiều lần chứng kiến cảnh lực lượng chức năng địa phương đi vận động, nhắc nhở các bạn trẻ để rác đúng nơi quy định. Họ vui vẻ gật đầu, nhưng sau đó rời đi và bỏ lại rác thải. Thậm chí, một số người còn ném rác xuống biển.
Thiết nghĩ, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuần tra và xử phạt thật nghiêm các hành vi xả rác bừa bãi. Một người bạn từng du lịch nước ngoài khẳng định với tôi: ra nước ngoài, người Việt chấp hành rất nghiêm quy định của nước sở tại như không hút thuốc lá, không xả rác nơi công cộng. Lý do vì nước họ xử phạt rất nghiêm và vì không quen biết ai để xin xỏ. Điều đó cho thấy, nếu có chế tài xử phạt đủ mạnh và lực lượng chức năng xử lý nghiêm khắc, người dân sẽ tự có ý thức bảo vệ môi trường. Vài trường hợp bị xử lý mạnh tay và bêu gương xấu, những người khác sẽ chùn tay, từ đó thay đổi ý thức theo hướng tích cực.
NGUYỄN ĐỨC