Tâm thế chủ động phòng dịch

Thứ Năm, 13/08/2020, 20:52 [GMT+7]
In bài này
.

Vừa kết thúc năm học, chị Lan - hàng xóm nhà tôi (chung cư 199 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP. Vũng Tàu) đã đặt vé máy bay cho cả gia đình về thăm bố mẹ chồng ngoài Bắc, kết hợp thưởng các con chuyến du lịch đến Sapa vào đầu tháng 8.

Vậy nhưng, đại dịch COVID-19 trở lại từ cuối tháng 7 ở Đà Nẵng khiến chị phải thay đổi kế hoạch. Sát ngày khởi hành, chị quyết định đổi vé sang cuối tháng 12 với hy vọng khi đó dịch bệnh sẽ được kiểm soát, cuộc sống sẽ trở lại trạng thái bình thường. “Đi du lịch phải có tinh thần thoải mái mới vui và yên tâm tận hưởng kỳ nghỉ. Vừa du lịch, vừa nơm nớp lo dính bệnh thì còn gì là vui nữa”, chị Lan giải thích về quyết định của mình, dù mọi thứ đã sẵn sàng.

Tương tự, chị Hà, ở phường 2, TP.Vũng Tàu dự định tổ chức tiệc cưới cho con trai vào đầu tháng 8. Thiệp mời đã phát, nhà hàng đã đặt nhưng khi dịch bệnh bùng phát trở lại, chị đành gọi điện thông báo đến những người đã được mời để cáo lỗi vì chị quyết định hủy bữa tiệc. Lễ cưới vẫn được tổ chức tại tư gia với sự có mặt của một số ít người thân hai bên gia đình và được rút gọn tối đa.

Tinh thần chủ động phòng dịch của chị Lan, chị Hà cũng là tinh thần chung của nhiều người trước “làn sóng” COVID-19 lần thứ hai, khác hẳn “làn sóng” thứ nhất hồi đầu năm. Ngay khi có thông tin về dịch bệnh, Ban quản lý chung cư 199 Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã dán bảng hướng dẫn các biện pháp phòng dịch trước cửa thang máy, khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, thực hiện khai báo y tế; đồng thời đặt sẵn mấy chai nước rửa tay sát khuẩn phục vụ cư dân. Một số cư dân có lịch trình đến vùng dịch trong tháng 7 cũng chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương, Ban quản lý chung cư và tự cách ly tại nhà, đồng thời thông báo trên nhóm facebook của chung cư cho mọi người yên tâm. Tin tức liên quan đến dịch bệnh COVID-19 hầu như ngày nào cũng được cư dân cập nhật trên nhóm. Đôi lúc là lời phàn nàn người này, người kia vô thang máy nhưng không đeo khẩu trang… và mọi người cùng nhắc nhau cảnh giác trước dịch bệnh.

Trong đợt dịch thứ hai, cả nước có 15 tỉnh, thành phố có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đến thời điểm này, BR-VT vẫn là địa phương có nguy cơ thấp, nhưng với tính chất phức tạp của dịch bệnh, chỉ một phút lơ là, bất cẩn, dịch có thể bùng nổ như đã từng xảy ra ở một số địa phương khác. Qua ghi nhận và quan sát thực tế có thể thấy, ở một số thời điểm nhất định, người dân ít nhiều có chút lo sợ khi nghe thông tin nơi nào đó có trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhân COVID-19. Nhưng rồi nỗi lo đó trôi qua rất nhanh, khi có thông tin chính thức từ cơ quan chuyên môn. Những đồn đoán bị dập tắt khi các trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhân đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Những đối tượng tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh cũng bị cơ quan chức năng mời lên làm việc và xử lý kịp thời.

Thật đáng mừng khi không chỉ chính quyền, các lực lượng chuyên môn mà cả người dân BR-VT đã luôn sẵn sàng đối phó với dịch bệnh trong tâm thế chủ động, bình tĩnh, không hoang mang, lo sợ. Tâm thế đó một phần là do người dân đã có kinh nghiệm và trải nghiệm qua đợt dịch lần thứ nhất, khi Chính phủ áp dụng biện pháp giãn cách toàn xã hội, kêu gọi người dân cả nước “ai ở chỗ nào, ở yên chỗ đó”. Ai đã từng trải qua những ngày phải cách ly y tế, phải sống trong nỗi sợ hãi vì dịch bệnh, những ngày giãn cách xã hội mới thấu hiểu và trân trọng giá trị của những ngày mạnh khỏe, của những ngày tự do. Từ đó, mỗi người tự ý thức được rằng, chủ động thực hiện và chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch là không chỉ góp phần tự bảo vệ mình và gia đình, bảo vệ cộng đồng mà còn vì được tự do đi lại và sinh hoạt!

NGUYỄN ĐỨC

 

;
.