Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 do Bộ GD-ĐT vừa công bố cho thấy, tiếng Anh là môn có điểm trung bình thấp nhất trong 9 môn thi. Cụ thể, gần 750 ngàn thí sinh làm bài thi tiếng Anh, trong đó gần 473 ngàn bài bị điểm dưới trung bình (chiếm 63,13%). Điểm trung bình môn tiếng Anh trong cả nước chỉ đạt 4,58, dưới mức trung bình. BR-VT xếp thứ 3 trong cả nước về điểm trung bình môn tiếng Anh với 5,273 điểm, sau Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.
Danh sách thứ tự về điểm trung bình thi môn Tiếng Anh của các tỉnh, thành trong cả nước (chưa tính TP. Đà Nẵng) cho thấy, trình độ tiếng Anh của HS có sự phân hóa theo vùng, miền và tỉnh, thành. Theo đó, HS ở khu vực thành thị và những địa phương có nền kinh tế phát triển, điểm trung bình tiếng Anh cao hơn các địa phương và khu vực khác. Đây là điều dễ hiểu, bởi ở những khu vực này, phụ huynh và HS có xu hướng quan tâm đến tiếng Anh nhiều hơn. Hơn nữa, thành thị tập trung nhiều trung tâm và GV dạy tiếng Anh hơn vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa - nơi có rất ít các trung tâm ngoại ngữ.
Kết quả này không bất ngờ, bởi từ nhiều năm nay, môn tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung chưa thực sự được nhiều địa phương, nhà trường quan tâm đúng mức. Tình trạng thiếu GV tiếng Anh đạt chuẩn còn khá phổ biến, trong khi HS còn tâm lý e ngại môn học này dẫn đến lơ là, mất gốc. Việc dạy tiếng Anh ở trường phổ thông hầu hết là dạy chay, theo kiểu truyền đạt thụ động thầy giảng, trò nghe, ít có sự tương tác qua lại giữa HS và GV. Phần lớn GV dạy tiếng Anh ở nhà trường là người Việt, rất ít tiết dạy tiếng Anh có GV người nước ngoài đứng lớp. HS ít có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài để nâng cao trình độ cũng như rèn luyện sự tự tin khi sử dụng vốn tiếng Anh đã được học.
Trở lại với BR-VT, kết quả thi tốt nghiệp phản ánh tương đối chính xác thực lực tiếng Anh của HS (năm học trước, BR-VT cũng đứng thứ 3 về điểm trung bình môn tiếng Anh). Những năm qua, lãnh đạo tỉnh và ngành giáo dục đã quan tâm đầu tư dạy tiếng Anh trong trường phổ thông. Đặc biệt, từ năm học 2019-2020, tỉnh chủ trương tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần cho HS từ lớp 3 đến lớp 12. Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Anh cho HS, giúp HS mạnh dạn giao tiếp với người nước ngoài. Tuy nhiên, một số trường học trên địa bàn tỉnh còn thiếu phòng học và trang thiết bị đạt chuẩn, thiếu GV nên việc triển khai dạy tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần còn khó khăn. Hơn nữa, từ học kỳ II năm học vừa qua, HS phải nghỉ học dài ngày để phòng, chống dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng nhất định đến việc tăng tiết tiếng Anh theo chủ trương của tỉnh.
BR-VT là địa phương có ngành kinh tế phát triển sôi động. 4 trụ cột kinh tế của tỉnh gồm: công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao đều là những ngành đòi hỏi người lao động phải có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, mà phổ biến nhất là tiếng Anh. Thực tế cho thấy, những lao động thành thạo tiếng Anh có cơ hội tốt hơn trong việc tìm kiếm việc làm và có thu nhập cao hơn so với những lao động khác.
Có thể khẳng định, chủ trương tăng cường 2 tiết tiếng Anh/tuần cho HS của tỉnh là rất đúng đắn nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho thế hệ tương lai. Với HS ở khu vực nông thôn, việc tăng tiết tiếng Anh còn là cơ hội tốt để rèn luyện, nâng cao trình độ ngoại ngữ. Để thực hiện hiệu quả chủ trương của tỉnh trong thời gian tới, ngành GD-ĐT và các nhà trường cần nỗ lực khắc phục các khó khăn, hạn chế nêu trên. Theo đó, GV tiếng Anh cần chủ động đổi mới phương pháp, hình thức dạy học đa dạng theo hướng “học mà chơi, chơi mà học” để tạo hứng thú cho HS. Nhà trường cần tạo điều kiện thuận lợi cho GV tiếng Anh phát huy năng lực, sở trường; xã hội hóa trong việc dạy tiếng Anh; tổ chức giao lưu, gặp gỡ giữa HS với người nước ngoài để HS có cơ hội thực hành kiến thức đã học. Chính quyền địa phương cần giải quyết thỏa đáng, kịp thời các chế độ, chính sách cho nhà trường và GV dạy tăng tiết tiếng Anh, để họ yên tâm thực hiện chủ trương của tỉnh. Có như vậy, việc tăng tiết dạy tiếng Anh cho HS mới phát huy hiệu quả. Mục tiêu nâng cao năng lực ngoại ngữ cho HS của tỉnh mới đạt được.