Ngày 11/7/2020, Bảo tàng tỉnh (số 4 Trần Phú, TP. Vũng Tàu) đã khai trương, mở cửa đón khách tham quan. Niềm mong mỏi của lãnh đạo tỉnh, của người dân địa phương và yêu cầu về một điểm đến mới của du khách đã thành hiện thực.
Khai trương vào dịp hè - mùa cao điểm du lịch, lại miễn vé vào cổng nên đã thu hút rất đông khách tham quan. Ngoài người dân địa phương, bảo tàng còn đón nhiều đoàn khách du lịch. Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh, chỉ trong chưa đầy 2 tuần đầu mở cửa, bảo tàng đã đón hơn 19.000 lượt khách tham quan, trong đó có ngày cuối tuần đón 3.500 lượt khách. Lúc cao điểm, bảo tàng còn phải ra thông báo tạm ngừng đón khách. Đây là điều hiếm thấy với một điểm tham quan mang tính chuyên đề về văn hóa ở BR-VT nói riêng và cả nước nói chung (Bảo tàng tạm đóng cửa từ ngày 27/7 đến ngày 4/8 để sửa chữa, bổ sung một số thiết bị chiếu sáng, mô hình trưng bày…).
Phản hồi bước đầu của khách tham quan về bảo tàng là khá tích cực. Nhiều người có chung nhận xét: hiện vật đa dạng, được trưng bày theo từng nhóm chủ đề, lại ứng dụng công nghệ thông tin nên giúp khách dễ tra cứu, tìm hiểu thêm tư liệu. Ngoài ra, bảo tàng còn có máy lạnh, tạo không khí mát mẻ, khiến khách không bị ngột ngạt, nóng bức như nhiều bảo tàng khác.
Theo lãnh đạo Bảo tàng tỉnh, bảo tàng mở cửa đón khách miễn phí đến hết năm 2020 nhằm có thời gian quảng bá, giới thiệu bảo tàng đến với du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, đây là dịp để bảo tàng lắng nghe ý kiến phản hồi của khách tham quan, các chuyên gia, DN lữ hành về cách bố trí, trưng bày hiện vật và cả cung cách phục vụ để điều chỉnh cho hợp lý.
Người viết bài này có chung tâm trạng hồ hởi với nhiều người dân BR-VT khi Bảo tàng tỉnh được hoàn thành, đưa vào sử dụng và càng vui mừng hơn khi nó được du khách đón nhận. Bởi lẽ, ngoài thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng biển, BR-VT còn được biết đến là một vùng đất đa dạng về văn hóa. Du khách và các DN lữ hành thường than phiền rằng sản phẩm du lịch của địa phương nghèo nàn, thiếu những công trình, dự án và sản phẩm du lịch để thu hút và giữ chân du khách lưu lại dài ngày. Do vậy, Bảo tàng tỉnh được đưa vào hoạt động đã góp thêm sản phẩm du lịch mới để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa bản địa của du khách.
Hơn nữa, công trình nằm trong cụm các điểm tham quan văn hóa - du lịch là: di tích Bạch Dinh, khu du lịch Hồ Mây, Bảo tàng vũ khí cổ Robert Taylor, cùng với di tích trận địa pháo cổ Sao Mai - Núi Lớn, các công trình tôn giáo ở khu vực Bãi Dâu (nhà thờ Đức Mẹ Bãi Dâu, chùa Quan Âm…). Những công trình này có thể kết hợp tạo thành tour liên hoàn tham quan Vũng Tàu. Nếu khai thác tốt các điểm đến này, kết hợp với các điểm đến khác trong toàn tỉnh, DN lữ hành có thể tạo ra các tour du lịch liên hoàn, hấp dẫn, giữ chân du khách vài ngày ở BR-VT, bên cạnh sản phẩm nghỉ dưỡng biển.
Việc Bảo tàng thu hút đông khách tham quan cho thấy nhu cầu tìm hiểu văn hóa, lịch sử địa phương của du khách và nhân dân địa phương là có thực. Vì vậy, chúng tôi cho rằng sau thời gian “chạy thử”, Bảo tàng tỉnh chính thức thu vé tham quan cũng không khiến du khách quay lưng. Bởi lẽ, nhiều bảo tàng trên thế giới có thu vé vào cổng vẫn luôn đông khách tham quan vì có nét độc đáo riêng, là nơi “buộc” du khách phải ghé thăm khi đến địa phương đó, và chúng tôi tin rằng Bảo tàng tỉnh cũng nằm trong số này.
“Đầu xuôi, đuôi lọt”. Hy vọng Bảo tàng tỉnh sẽ phát huy hiệu quả, trở thành điểm hẹn văn hóa - du lịch hấp dẫn khách tham quan trong thời gian tới, là nơi thu hút và giữ chân du khách khi đến BR-VT; xứng đáng với tâm huyết, sự kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh và nhân dân địa phương cũng như kinh phí đầu tư cho công trình.
NGUYỄN ĐỨC