Những hoạt động đầu tiên của đô thị thông minh tại BR-VT cũng đã được triển khai. Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, thành phố, huyện, xã, phường trên địa bàn tỉnh đã xử lý văn bản hoàn toàn trên mạng Internet bằng phần mềm eOffice và liên thông văn bản 4 cấp (từ xã đến Chính phủ); tích hợp chữ ký số trong xử lý văn bản; 100% phường, xã, huyện, thành phố ứng dụng phần mềm một cửa điện tử trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ TTHC liên thông. Các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được cấp phát với hơn 8.000 tài khoản người dùng. Tháng 1/2020, UBND tỉnh cũng đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh BR-VT và kết nối đồng bộ với Cổng dịch vụ công Chính phủ, trong đó công khai việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC của từng cá nhân, tổ chức trên môi trường trực tuyến.
Là địa phương đầu tiên được tỉnh lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình đô thị thông minh, trong giai đoạn 2020-2022, TP. Vũng Tàu sẽ triển khai phần mềm quản lý đất đai, đô thị, môi trường, giao thông, du lịch… vào áp dụng, người dân, du khách sẽ được tiếp cận các thông tin trên được dễ dàng, thuận tiện hơn. Trước đó, Vũng Tàu đã triển khai các nền tảng đầu tiên để xây dựng đô thị thông minh. Từ giữa năm 2016, TP. Vũng Tàu đã xây dựng dịch vụ wifi miễn phí với 8 trạm phát sóng tại khu vực Bãi Trước, có khả năng đáp ứng hơn 1.000 người truy cập internet miễn phí mỗi ngày, giúp người dân và khách du lịch dễ dàng truy cập và sử dụng các dịch vụ tiện ích, giải trí du lịch hiện đại. Ngoài ra, thành phố cũng đã tiếp cận, liên kết với các tập đoàn viễn thông để đưa phần mềm quản lý dữ liệu dùng chung cho ngành du lịch để truyền tải và chia sẻ thông tin đến từng du khách như: Địa chỉ tham quan, khu nghỉ dưỡng, ẩm thực, vui chơi, giải trí, điểm đến ấn tượng…
Có thể nói, đô thị thông minh không chỉ giúp tối ưu hóa các hoạt động như giao thông, quản lý chất thải mà còn có thể nâng cao đời sống của người dân trên mọi mặt. Thế nhưng, để xây dựng một đô thị thông minh không hề là điều dễ dàng. Điều quan trọng nhất là cần có một cơ sở hạ tầng xã hội thông minh bao gồm thể chế, bộ máy vận hành, môi trường văn hóa và công dân. Hay nói cách khác, đó là cần có một tập hợp thông minh gắn kết bao gồm: công dân thông minh, lãnh đạo thông minh và chuyên gia thông minh. Do đó, để mô hình này thành công, BR-VT cần cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Hay nói cách khác, đô thị thông minh trước hết phải lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu mọi thành phần trong xã hội đều có thể được thụ hưởng lợi ích, từ đó tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh.
Đặc biệt, xây dựng đô thị thông minh không chỉ là xây dựng thương hiệu, không chỉ để hợp với xu thế thời đại mà cần phải hướng đến việc giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân.