Kiểm soát giá thịt heo

Thứ Tư, 29/07/2020, 21:01 [GMT+7]
In bài này
.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/7, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1899/QĐ-BCT về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng có liên quan để kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng toàn bộ chuỗi chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đến người bán cuối cùng trực tiếp cho người tiêu dùng đối với mặt hàng heo giống, heo hơi và các sản phẩm thịt heo trên thị trường.

Đối tượng kiểm tra là DN, tổ chức, cá nhân tham gia ở các khâu khác nhau trong toàn bộ chuỗi chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, phân phối, cung ứng heo giống, heo hơi và các sản phẩm thịt heo. Việc kiểm tra nhằm ngăn chặn tình trạng cạnh tranh, gian lận thương mại hoặc lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để găm hàng, đẩy giá bán thịt heo tăng cao.

Thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để giảm giá thịt heo trên thị trường, thậm chí Bộ NN-PTNT đã tổ chức nhiều cuộc họp với các DN để bình ổn mặt hàng thịt heo trên thị trường. Tuy nhiên thực tế cho thấy người tiêu dùng vẫn phải ăn thịt heo với giá cao.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng này là do “đường đi” của thịt heo từ trang trại đến thị trường phải qua nhiều khâu trung gian nên người dân chưa được thụ hưởng việc giá heo ở mức giá hợp lý như mong muốn. Vì vậy để bình ổn thị trường thịt heo không chỉ là ở vấn đề tổ chức lại sản xuất như đẩy mạnh tái đàn mà cơ quan quản lý Nhà nước phải tập trung cho các giải pháp mạnh mẽ hơn như: lực lượng quản lý thị trường phải kiểm tra, xử lý những tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng đẩy giá quá cao; đẩy mạnh nhập khẩu để cạnh tranh với sản phẩm trong nước; thúc đẩy các DN thương mại của Nhà nước tích cực tham gia phân phối sản phẩm để tư thương không hoành hành. Đồng thời, nên xem lại cách quản lý, điều hành giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nói chung, thịt heo nói riêng.

Về lâu dài, chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung để tăng năng xuất, giảm rủi ro trong chăn nuôi và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng hiện đại. Xây dựng lò mổ công nghiệp hiện đại để thay thế các lò mổ thủ công và sớm hình thành sàn giao dịch heo; giảm bớt các tầng nấc trung gian. Thực hiện dự báo về nguồn cung, nhu cầu của người tiêu dùng về thịt heo tương đối chính xác nhằm giúp DN, cơ sở chăn nuôi, người buôn bán tiên liệu được quy trình sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh heo thịt và thịt heo không rõ nguồn gốc; kiểm soát khâu phân phối, bán lẻ.

Hiện nay mặc dù cơ cấu tiêu dùng thịt đã ngày càng đa dạng, tuy nhiên thịt heo vẫn là mặt hàng thực phẩm đặc biệt quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của người dân. Vì vậy, Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi nói chung; trong đó có chăn nuôi heo; tăng mạnh đàn heo thời gian tới nhưng không để mất cân đối cung cầu trong trung và dài hạn.

PHƯƠNG ANH

 
;
.