Khu công nghiệp sinh thái, tại sao không?

Thứ Tư, 01/07/2020, 21:59 [GMT+7]
In bài này
.

Tại hội thảo “Về các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, sức thu hút của các KCN trên địa bàn tỉnh, xây dựng một số KCN kiểu mẫu” do Tỉnh ủy tổ chức sáng 25/6 vừa qua, một trong những nội dung mà lãnh đạo tỉnh, các chuyên gia kinh tế cũng như DN quan tâm là cần phải chuyển hướng phát triển KCN sinh thái - xu thế tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng bỏng hiện nay.

Khái niệm KCN sinh thái dù không mới nhưng vẫn còn khá lạ lẫm với nhiều người. Theo “Sổ tay phát triển KCN sinh thái cho các nước đang phát triển châu Á” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), KCN sinh thái được hiểu là một “cộng đồng” các DN sản xuất và dịch vụ có mối liên hệ mật thiết trên cùng một lợi ích. Đó là hướng tới một hoạt động mang tính xã hội, kinh tế và môi trường chất lượng cao, thông qua sự hợp tác trong việc quản lý các vấn đề về môi trường và nguồn tài nguyên. Bằng các hoạt động hợp tác chặt chẽ với nhau, “cộng đồng” KCN sinh thái sẽ đạt được một hiệu quả tổng thể lớn hơn nhiều so với tổng các hiệu quả mà từng DN hoạt động riêng lẻ gộp lại. Phát triển KCN sinh thái có thể cải thiện hoạt động kinh tế, đồng thời giảm thiểu các tác động tới môi trường. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên, thích hợp cho phát triển KCN xanh.

Trên thực tế, tại BR-VT, mô hình KCN sinh thái đã được hình thành và trở thành kiểu mẫu cho nhiều địa phương trong cả nước. Điển hình là KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 do Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ làm chủ đầu tư tại phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ - một trong hai dự án KCN kiểu mẫu của cả nước nằm trong thỏa thuận hợp tác và phát triển được ký kết giữa Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản vào tháng 11/2011. Dự án này cũng nằm trong “Chương trình sáng kiến phát triển kinh tế địa phương” của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA cùng chính quyền tỉnh BR-VT hỗ trợ để phát triển thành một KCN kiểu mẫu. Đến nay, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống đường giao thông nội khu cao cấp; nhà máy xử lý nước thải công suất 9.000m3/ngày đêm, với tiêu chuẩn xử lý nước thải đạt loại A đầu tiên tại tỉnh BR-VT; hệ thống cung cấp nhiên liệu sạch là khí gas với mục tiêu bảo vệ môi trường không khí, đến tận hàng rào nhà máy khách hàng; hệ thống cây xanh phủ kín; văn phòng một cửa để hỗ trợ và đồng hành cùng nhà đầu tư xuyên suốt quá trình đầu tư, xây dựng và vận hành dự án... Cơ chế “một cửa - tại chỗ”, khu phi thuế quan và các trung tâm tiện ích trong KCN chuyên sâu đã đáp ứng nhu cầu về “hạ tầng mềm” đối với các nhà đầu tư. Điều đáng nói ở đây là tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã xây dựng và hình thành chuỗi “cộng sinh công nghiệp”. Đó là việc các DN hợp tác với nhau để trao đổi chất thải hoặc năng lượng thừa. Những thứ thải ra của DN này có thể làm nguyên liệu đầu vào cho DN kia hoặc tận dụng nhiệt thừa, năng lượng thừa trong qua trình sản xuất của mình để chia sẻ cho DN “hàng xóm”. Có thể lấy ví dụ từ Nhà máy xử lý bụi lò thép Zinc Oxide với chức năng tái chế bụi lò thép để sản xuất oxit kẽm (HZO, loại 65%) có thể thay thế kẽm cô đặc, đã góp phần giúp BR-VT giải quyết được bài toán xử lý bụi lò thép phát sinh tồn tại nhiều năm nay mà chưa có giải pháp xử lý. Nhà máy còn sản xuất oxit kẽm có độ tinh khiết cao được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất lốp xe hơi, gốm sứ tại thị trường nội địa và quốc tế.

Với số lượng 15 KCN trên địa bàn tỉnh, việc áp dụng cách tiếp cận KCN sinh thái, chuyển đổi và xây dựng mới các KCN sinh thái là hết sức cần thiết. Việc thúc đẩy phát triển KCN sinh thái sẽ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế và xã hội tại các DN trong các KCN sinh thái, mà còn mang lại lợi ích cho cả người lao động và cộng đồng bên ngoài hàng rào KCN thông qua việc giảm thiểu chất thải và tác động đến môi trường. Tuy nhiên, điều này sẽ đặt ra những yêu cầu mới đối với vai trò quản lý của lãnh đạo tỉnh, các sở ngành địa phương, Ban Quản lý KCN, sự tham gia ý kiến sâu rộng của các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các DN… Trong đó, cần đặc biệt chú trọng những điều kiện nền tảng tạo động lực gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội, đặt trong chiến lược dài hạn, bền vững của tỉnh.

NGÔ GIA

;
.