Sáng Chủ nhật 19/7 vừa qua, hàng trăm ĐVTN khối lực lượng vũ trang, thanh niên và người dân địa phương tại Long Điền và Đất Đỏ đã ra quân chiến dịch “Hãy làm sạch biển” năm 2020.
Các tình nguyện viên đã chia ra từng tốp để thu gom rác dọc dọc bãi biển. Ai cũng kỳ vọng chiến dịch sẽ góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu; ngăn chặn rác thải nhựa trên biển.
Kể từ khi chiến dịch “Hãy làm sạch biển” được Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Đài Truyền hình Việt Nam khởi xướng (năm 2016), năm nào lực lượng ĐVTN BR-VT cũng tích cực hưởng ứng, bảo vệ môi trường biển bằng các hoạt động thiết thực và phù hợp với địa phương. Các chiến dịch đã tạo nên hiệu ứng truyền thông, tác động đến ý thức người dân, du khách và cộng đồng về vai trò quan trọng của biển đối với đời sống, từ đó chung tay hành động bảo vệ môi trường biển.
Những năm gần đây, một số vùng cửa sông, khu dân cư ven biển BR-VT “hứng” một lượng không nhỏ nước thải, rác thải từ các khu dân cư, khu du lịch, nhà máy, nhà hàng… Đi qua những nơi này, người ta cảm nhận rõ mùi hôi của rác thải. Ở một số khu dân cư ven biển, không khó để bắt gặp dưới biển, trên bờ, rác dập dềnh, vương vãi nhiều nơi. Nhiều lượt tàu thuyền đánh cá ra vào mỗi ngày đã thải ra biển đủ thức rác thải, từ vỏ chai nhựa, túi ni lông, lưới đánh cá đến cặn dầu, nước rửa tàu lẫn chất thải rắn. Ngoài lượng rác thải từ trong bờ, vùng biển BR-VT còn bị rác thải đại dương “tấn công”.
Nhiều du khách và người dân địa phương cho biết họ cảm thấy ngại khi đến với các bãi tắm ở BR-VT trong những hôm biển “trái gió trở trời”. Ngại, vì sau một buổi vẫy vùng, lặn hụp giữa làn nước biển, toàn thân chợt nghe ngứa ngáy khó chịu, thậm chí cơ thể còn ửng đỏ như nổi mè đay. Ngại, khi đang bơi bỗng một vật gì đó mềm mềm cuốn lấy cổ hoặc tay chân, “hết hồn” nhìn lại hóa ra là… túi ni lông.
Đó không phải là cảm giác chủ quan. Nỗi lo của du khách và người dân địa phương là có thực bởi không ít bãi biển trên địa bàn tỉnh đều có dấu hiệu ô nhiễm rác thải và nước thải. Đây là hậu quả của việc xả trực tiếp nguồn nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ven biển.
Rác thải trên bờ và dọc các bãi biển có thể dọn sạch bằng những lần ra quân của lực lượng ĐVTN và cộng đồng, nhưng còn “rác” trong nước biển - loại nước bẩn do các cơ sở chế biến hải sản, cơ sở du lịch, nhà hàng thải ra đòi hỏi nhiều giải pháp phức tạp và quyết liệt hơn.
Không ít cơ sở chế biến hải sản, dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh “quên” đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc nếu có thì công suất thực tế thấp hơn công suất đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Thực trạng này đòi hỏi bộ, ngành chức năng bổ sung các giải pháp, kiểm soát có hiệu quả ô nhiễm môi trường biển; đẩy mạnh chế tài, xử lý vi phạm về quản lý rác thải biển. Thực tế cho thấy, khi các cơ sở, đơn vị cố tình “quên” triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường mà không bị cơ quan chức năng chế tài, họ sẽ “nhờn”. Trong bối cảnh đó, thông điệp “Hãy làm sạch biển” cũng cần được lan tỏa đến tất cả các cơ sở chế biến hải sản, nhà hàng, khách sạn và du khách. Cần truyền thông nhiều hơn để mọi người hiểu rằng hành vi xả rác thải, nước thải ra biển là những tác nhân “đầu độc biển”. Giữ cho môi trường biển sạch đẹp là trách nhiệm của của mọi tổ chức, cá nhân. Đó cũng là cách giúp người dân nhận thức hành vi xả nước thải ra biển là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý để họ sợ mà không tái phạm. Việc lãnh đạo chính quyền trực tiếp đến tận bãi tắm để thuyết phục vận động du khách không ăn nhậu, không xả rác như cách làm của TP.Vũng Tàu cũng cần được nhân rộng.
Chỉ khi người dân nhận thức được rằng, bảo vệ môi trường biển chính là bảo vệ đời sống của họ và từ bỏ thói quen thiếu văn minh xả rác thải, nước thải tùy tiện ra môi trường, lúc ấy biển mới thực sự xanh sạch lâu dài.
NGUYỄN HƯNG NHƠN