Cuối tháng 10 tới là tròn 3 năm Ủy ban châu Âu (EC) áp “thẻ vàng” đối với hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam.
Trong thời gian trên, các lực lượng chức năng nước ta đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp, trong đó tập trung thực hiện 4 khuyến nghị của EC nhằm lấy lại “thẻ xanh” cho mặt hàng chiến lược này: Xây dựng chiến lược toàn diện để xác định, xử phạt và ngăn ngừa tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; Triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển; Thực hiện các biện pháp truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đến các hoạt động hợp tác quốc tế và kiểm tra các biện pháp chống khai thác IUU tại địa phương; Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho ngư dân về hậu quả của hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.
Đoàn Thanh tra của EC đã 2 lần sang kiểm tra thực tế tại Việt Nam về việc khắc phục IUU. Mặc dù ghi nhận những nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam nhưng EC vẫn cho rằng, tình hình chưa được cải thiện đáng kể. Và khẳng định, chỉ thu hồi “thẻ vàng” khi không còn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.
“Thẻ vàng” chưa được gỡ, cánh cửa xuất ngoại của ngành thủy sản trị giá hơn 8,6 tỷ USD của Việt Nam còn bị thu hẹp dần khi từ đầu năm đến nay, hàng loạt tàu cá của ngư dân tiếp tục bị bắt giữ vì khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Cùng với việc xử lý vi phạm hành chính các tàu cá vi phạm với số tiền phạt lên tới hàng chục tỷ đồng, các tỉnh ven biển còn mạnh tay tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng có thời hạn đối với các thuyền trưởng, xóa số đăng ký tàu cá, thu hồi vĩnh viễn giấy phép khai thác thủy sản của các tàu cá vi phạm.
Thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, BR-VT đã triển khai đồng loạt các biện pháp ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài như thu hồi giấy phép đánh bắt và bằng lái của thuyền trưởng, toàn bộ tàu cá có chiều dài từ trên 15m muốn ra khơi bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; Không để tàu chưa gắn thiết bị giám sát hành trình xuất bến, đặc biệt tăng cường theo dõi, giám sát nhật ký hành trình của các tàu cá, triển khai đẩy mạnh giám sát tàu cá ra vào cảng cá. Với các biện pháp đó, 3 năm qua số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm hẳn. Từ đầu năm đến nay, không có tàu cá nào trên địa bàn tỉnh BR-VT vi phạm vùng biển nước ngoài.
Gỡ “thẻ vàng” là nhiệm vụ cấp thiết đối với ngành thủy sản Việt Nam và để đạt được điều này, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng phải quyết liệt ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài…
Cần nhấn mạnh rằng, sự nỗ lực của một vài địa phương là chưa đủ. Điều quan trọng là tất cả các tỉnh, thành phố ven biển phải quyết liệt vào cuộc cho đến khi không còn một tàu cá nào đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Xử lý vi phạm về đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài cũng không thể chỉ dựa vào những bản cam kết của các chủ tàu cá mà còn cần có sự kiểm soát và cơ chế xử phạt của lực lượng chức năng. Không chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính, cần thiết phải xem xét xử lý hình sự đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần.
Ngư dân đóng vai trò quan trọng trong việc gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Chỉ cần một vài ngư dân thiếu ý thức, không tuân thủ các quy định, “thẻ vàng” sẽ chuyển màu và điều đó sẽ đồng nghĩa đồng nghĩa với việc “cấm cửa” thủy sản Việt Nam vào thị trường EU.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp ngư dân, chủ tàu thuyền hiểu rõ sự nguy hiểm, tác hại của việc xâm phạm vùng biển các nước, gây tổn hại đến kinh tế, danh dự và uy tín quốc gia là điều vô cùng cấp thiết vào lúc này.
EU có xem xét gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam hay không tùy thuộc vào nhận thức của ngư dân, của DN và của cả cơ quan quản lý bởi chỉ có thay đổi thực chất về nhận thức, mới có thể thay đổi được hành động. Và cũng chỉ như vậy ngành thủy sản mới có thể tập trung tái cơ cấu, đưa nghề cá nhân dân thành nghề cá công nghiệp, có trách nhiệm và phát triển bền vững.
NGUYỄN TRIỆU HẢI