Công cụ giảm nghèo hữu hiệu

Thứ Năm, 16/07/2020, 20:47 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối tuần rồi ghé về quê, gặp chú Tư đang chở 2 sọt bầu ra vựa nhập cho thương lái. Thấy tôi, chú hồ hởi khoe: “Chú xây nhà xong rồi, cũng vừa mua thêm được 5 sào đất để đào ao thả cá. Con ghé nhà chú lấy cá lóc và bầu về cho ông già hấp ăn chơi”.

Nghe chú nói thế tôi rất mừng, bởi cuộc sống của gia đình chú giờ đã bước sang một trang mới. 4 năm trước, nhà chú Tư nghèo lắm. Có 5 sào đất ba mẹ để lại, vợ chồng chú trồng các loại rau xanh nhưng “thu không đủ chi”. 2 đứa con kết thúc bậc THCS cũng tính bỏ học để đi làm. May mắn thay, Hội Nông dân xã đã giới thiệu chú tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, vay 20 triệu đồng với lãi suất thấp. Đồng thời đưa chú tham gia vào dự án “mô hình nuôi cá nước ngọt”. Có vốn, chú đào ao, thả các loại cá lóc, rô phi. Trên bờ, chú làm giàn trồng các loại cây ngắn ngày như mướp, khổ qua, bầu... Mỗi năm cả vườn và ao đem lại thu nhập cho gia đình chú khoảng 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ kịp thời của tín dụng chính sách dành cho HS-SV nên 2 người con của chú không phải bỏ học, giờ đã tốt nghiệp trường dạy nghề và có việc làm ổn định. Gia đình chú cũng nhờ đó thoát cảnh nghèo túng, đã có của ăn của để.

Có thể nói, tín dụng chính sách đặc biệt quan trọng đối với người nghèo là hỗ trợ vay vốn nhằm giúp họ có điều kiện phát triển sản xuất. Với một lãi suất ưu đãi, hợp lý, vốn được xem như một “cú hích” để người dân vươn lên thoát nghèo từ chính những tư liệu sản xuất vốn có. Tín dụng chính sách còn tạo sinh kế, việc làm và trang trải các chi phí thiết yếu của cuộc sống, từ đó góp phần ngăn chặn tình trạng vay nặng lãi, tín dụng đen.

Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa 11 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã được thực thi trong 5 năm qua đã khẳng định vai trò quan trọng của chính sách này trong công cuộc phát triển kinh tế từng địa phương, trong đó có BR-VT. Với hiệu quả chương trình mang lại cho hàng triệu người nghèo trên cả nước đã minh chứng cho một quyết sách đúng đắn của Đảng. Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, đã có trên 12 triệu lượt hộ được vay vốn từ nguồn vốn chính sách, trong đó có 2,1 triệu lượt hộ đã thoát nghèo một cách bền vững. Hàng vạn công trình nước sạch, nhà ở cho người nghèo cũng đã được xây dựng. Tín dụng chính sách được coi là một công cụ giảm nghèo hữu hiệu của Việt Nam, là một giải pháp sáng tạo, nhân văn trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, mặc dù nguồn tín dụng chính sách liên tục gia tăng theo từng năm, song nguồn vốn vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu cần vốn của người nghèo. Do đó, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, cần huy động vốn đầu tư của các tổ chức, DN. Việc nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, cũng như tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng khác là những giải pháp cần được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới. Qua đó, “tiếp sức” cho các hộ nghèo không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn là công cụ hữu hiệu để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

NGÔ GIA

;
.