Cấp bách thúc đẩy đầu tư công

Thứ Tư, 08/07/2020, 19:57 [GMT+7]
In bài này
.

Tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trên cả nước trong năm 2020 dự kiến gần 700 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, qua 6 tháng đầu năm, số vốn thực hiện khoảng 154,4 ngàn tỷ đồng (hơn 22%). Tại BR-VT, theo kế hoạch năm 2020, tổng vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh là hơn 7.484 tỷ đồng nhưng tính đến 15/6 mới giải ngân được hơn 1.542 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 20%.

Những tháng đầu năm, dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống và hoạt động kinh tế-xã hội cả nước, trong đó có hoạt động đầu tư, triển khai dự án do phải thực hiện giãn cách xã hội và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. BR-VT cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng đó. So với cùng kỳ năm 2019, giá trị giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh tương đương về số tiền (cùng kỳ năm 2019 giải ngân hơn 1.559 tỷ đồng), nhưng thấp hơn về tỷ lệ (năm 2019 tỷ lệ giải ngân đạt 29,54%). Nguyên nhân theo UBND tỉnh là do trong 6 tháng đầu năm, các chủ đầu tư tập trung giải ngân số vốn kế hoạch năm 2019 kéo dài sang năm 2020; số dự án mới và thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều, đang lập thủ tục nên tỷ lệ giải ngân thấp; vốn trái phiếu Chính phủ chưa giải ngân do dự án đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải đang quyết toán…

Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công luôn là câu chuyện “nóng” tại nhiều cuộc họp trong thời gian qua. Lãnh đạo các địa phương cũng đã chỉ ra những bất cập, vướng mắc trong công tác đầu tư công. Trong đó, ách tắc ở khâu giải phóng mặt bằng và thủ tục triển khai dự án, thủ tục giải ngân vốn là những điểm nghẽn khiến cho các dự án đầu tư công chậm được triển khai. Thậm chí, có những dự án chính quyền đã đối thoại, dân đã đồng ý nhưng chưa có giá bồi thường và chưa có bản đồ thu hồi đất nên không triển khai được như lời ông Nguyễn Lập, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu thông tin.

Thời gian qua, lãnh đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, việc đến tận nhà gặp gỡ hoặc đối thoại với người dân trong vùng dự án được xem là giải pháp có hiệu quả. Qua gặp gỡ, đối thoại nắm rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của người có đất bị thu hồi để thực hiện dự án. Đồng thời, lãnh đạo chính quyền cũng tranh thủ cơ hội để tuyên truyền, giải thích, phân tích cho người dân thấy rõ quy định pháp luật, những lợi ích lâu dài mà người dân được hưởng sau khi dự án hoàn thành. Nhờ đó, người dân đã đồng thuận, chấp nhận bàn giao mặt bằng để thực hiện nhiều dự án. Có thể kể đến một số dự án tại TP. Vũng Tàu sau hàng chục năm ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng đã được tháo gỡ và triển khai, đưa vào hoạt động trong nhiệm kỳ này như: dự án nâng cấp, mở rộng đường 30/4; đường Nguyễn Hữu Cảnh; đường Nguyễn Tri Phương; đường 2/9…

Việc triển khai các dự án đầu tư công - trong đó hầu hết là các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng - có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Dự án được triển khai sẽ kéo theo các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, nước ngoài, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm cho người dân, nhất là trong bối cảnh hậu COVID-19 như hiện nay.

Tại Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 36 (mở rộng) được tổ chức hôm 3/7 vừa qua, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh, phải xem việc triển khai thành công các dự án trọng điểm quyết định cho tầm vóc, đẳng cấp và sự phát triển vượt bậc của BR-VT trong khu vực, nâng tầm đội ngũ cán bộ và thật sự mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân BR-VT. Các cấp, các ngành phải quan tâm, sâu sát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ các dự án.

Hy vọng rằng, với những giải pháp quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương, trong những tháng cuối năm, công tác giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước nói chung, tại BR-VT nói riêng sẽ được triển khai mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2015-2020.

NGUYỄN ĐỨC

;
.