Cần một liều thuốc mạnh để dứt bệnh

Thứ Hai, 20/07/2020, 22:33 [GMT+7]
In bài này
.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1053/QĐ-TTg thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại một số Bộ, cơ quan, địa phương.

Các Đoàn công tác này do đích thân Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và một số Bộ trưởng làm Trưởng đoàn.

Thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của cả nước chỉ đạt 1,81%, là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm, tình hình sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khó khăn. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm chỉ đạt gần 35% kế hoạch (bao gồm cả vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang năm 2020).

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong những tháng tới phải xác định công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư… là nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó đề ra các giải pháp cụ thể, đồng bộ, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn, khắc phục những yếu kém, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc không để xảy ra tình trạng chậm trễ, tồn đọng vốn, nợ đọng xây dựng cơ bản, tồn đọng hồ sơ giải quyết các thủ tục dự án đầu tư; đẩy nhanh công tác nghiệm thu, quyết toán, không để dồn vào cuối năm. Chủ động rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án để kịp thời có phương án điều chuyển theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư.

Đầu tư công từ ngân sách nhà nước (NSNN) luôn chiếm vai trò quan trọng, nhất là trong phát triển cơ sở hạ tầng, cả cấp quốc gia và địa phương... Từ nhiều năm qua hầu hết dự án đầu tư công từ NSNN đã phân cấp về địa phương quản lý, nên hiệu quả đầu tư công mang lại phụ thuộc rất lớn vào năng lực và quyết định đầu tư của địa phương.

Tại tỉnh BR-VT, theo báo cáo của Sở KH-ĐT, trong giai đoạn 5 năm (từ 2016-2020), tổng nguồn vốn ngân sách đã huy động cho đầu tư công đạt hơn 34.632 tỷ đồng. Tỉnh đã triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công và các dự án đầu tư công bảo đảm các quy định của Luật Đầu tư công. Việc phân bổ vốn hàng năm đã tập trung ưu tiên cho các dự án trọng điểm, các dự án bảo đảm an sinh xã hội, xử lý môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp và nông thôn (cấp điện, cấp nước sinh hoạt, nâng cấp hồ đập, kênh mương...). Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và an sinh trên địa bàn.

Tuy việc đầu tư giải ngân vốn đầu tư công đã đạt được một số kết quả nêu trên nhưng theo đánh giá từ Sở KH-ĐT cũng cho thấy còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Đó là tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư công hàng năm đến hết tháng 1 năm sau chỉ đạt khoảng 80%, số vốn còn lại phải kéo dài thời gian thanh toán đến hết năm sau năm kế hoạch. Nguyên nhân do một số nhà thầu tư vấn, xây lắp có năng lực không bảo đảm yêu cầu, một số chủ đầu tư thực hiện công tác nghiệm thu và thanh quyết toán còn chậm so với quy định.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công đang là căn bệnh kéo dài nhiều năm nay, cần một liều thuốc mạnh để dứt bệnh. Đặc biệt, đã đến lúc thực hiện các biện pháp “mạnh tay” hơn để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này. Cụ thể là gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là căn cứ quan trọng để đánh giá cán bộ, bình xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan; kiên quyết chống trì trệ, tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư công; điều chuyển, kiểm điểm, xử lý những trường hợp làm chậm, sai phạm theo quy định.

PHƯƠNG ANH

;
.