Ngày 21/6, giới báo chí BR-VT và cả nước kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam. Vào dịp này, Hội Nhà báo tỉnh BR-VT tiến hành Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ngày 8/4/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Người làm báo, hội viên Hội Nhà báo nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng nền báo chí Cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Nền báo chí Cách mạng Việt Nam khởi đầu từ ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ngày 21/6/1925. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết nên những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương” (Trả lời phỏng vấn, 1946). “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà” (Thư gửi anh em trí thức Nam Bộ, 1947). Với những cán bộ bắt đầu học nghề báo, Người ân cần dạy bảo: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc”(Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, 1948). Phát biểu tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1962, Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh” (Điện mừng Hội Nhà báo Á - Phi, 1965).
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí giàu tính chiến đấu, báo chí là của nhân dân, chuyển tải đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân, tổ chức hành động cách mạng của quần chúng vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, nền báo chí Cách mạng Việt Nam luôn luôn là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, chiến đấu và nhân văn; cổ vũ, lan tỏa việc tử tế, người tử tế; đấu tranh phòng chống cái ác, tham nhũng, lãng phí, các biểu hiện tiêu cực; thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; tham gia xây dựng Đảng…
Báo chí Việt Nam hội nhập sâu rộng với báo chí thế giới, thực sự là một nền báo chí chuyên nghiệp và hiện đại. Sự xuất hiện và phổ biến các thiết bị công nghệ thông tin mới; sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống Internet và báo chí công nghệ làm thay đổi thói quen từ thụ động sang chủ động của người tiếp cận thông tin; dịch chuyển từ đọc, nghe, xem sang sự lựa chọn trực tuyến, tương tác qua điện thoại thông minh, truyền hình thông minh, máy tính bảng. Sử dụng trí tuệ nhân tạo đang là một xu hướng mới trong hoạt động báo chí.
Đại hội lần thứ VI Hội Nhà báo BR-VT là dịp mỗi nhà báo, hội viên nhìn lại chính mình, đánh giá thành tựu đã giành được, xác định mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ hoạt động Hội trong 5 năm tới, theo tinh thần Chỉ thị 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của ban Bí thư Trung ương Đảng. Hơn bao giờ hết tính chuyên nghiệp và hiện đại trong hoạt động báo chí đang là đòi hỏi cấp thiết, nếu không muốn bị tụt hậu, bị bỏ lại phía sau. Báo chí truyền thống có nguy cơ bị công nghệ - truyền thông xã hội chi phối, lấn át, gây nhiễu loạn an ninh xã hội.
Để xây dựng nền báo chí cách mạng giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, đòi hỏi đội ngũ người làm báo, hội viên nhà báo không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, bản lĩnh chính trị; học tập và quán triệt sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với thực hiện Luật Báo chí, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025; các quy định về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo.
Biết vượt lên chính mình, biến thách thức thành cơ hội, đó là đòi hỏi và yêu cầu khách quan đối với đội ngũ những người làm báo BR-VT và cả nước.
HẢI VÂN