Không phải chuyện rủi ro!
Hồi chuông báo động tình trạng mất an toàn lao động trong xây dựng lại cất lên và lần này là ở tỉnh Đồng Nai. 10 người chết, 15 người bị thương là hậu quả của vụ sập công trình xây dựng nhà máy của Công ty AV Healthcare (KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom) xảy ra chiều 14/5 vừa qua.
Liên quan đến vụ tai nạn hết sức nghiêm trọng này, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt khẩn cấp 3 đối tượng thuộc Công ty TNHH Hà Hải Nga - đơn vị thầu xây dựng để điều tra.
Tai nạn lao động ở Đồng Nai khiến người ta nhớ lại vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 3/1/2020 tại King Night club (Cách Mạng Tháng Tám, TP. Bà Rịa) làm nhiều người bị thương. Phải mất nhiều giờ, hàng chục các bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC Công an tỉnh mới đưa được các nạn nhân bị mắc kẹt bên trong đống đổ nát ra ngoài.
Nguyên nhân gây mất an toàn lao động cả 2 vụ đều do DN có tâm lý xem thường công tác an toàn lao động trong sản xuất, thi công.
Cách đây không lâu, trước việc dồn dập xảy ra tai nạn lao động ở nhiều nơi gây gây rúng động dư luận, một giám đốc trong ngành xây dựng lên facebook “than thở” rằng, những năm gần đây ngành xây dựng gặp quá nhiều rủi ro, dù các đơn vị thi công đã rất chú trọng huấn luyện an toàn lao động; trang bị đầy đủ các phương tiện cho người lao động như găng tay, giày, mũ bảo hiểm, dây đeo an toàn; thường xuyên kiểm định, bảo trì các loại máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động… Chia sẻ nặng tính duy tâm này đã bị chính những người thân quen của ông chỉ trích mạnh mẽ, bởi tai nạn lao động chết người không phải do rủi ro mà là do chủ quan, tắc trách trong triển khai quy trình lao động.
Tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng là một vấn nạn nhức nhối xảy ra từ nhiều năm nay mà các bộ, ngành, chức năng chưa kiềm chế được. Chỉ tính riêng trong năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 8.150 vụ tai nạn lao động làm 8.327 người bị nạn, trong đó có 927 người chết. Thiệt hại từ tai nạn lao động lên tới 10.500 tỷ đồng…
Giới chuyên môn quả quyết rằng, trên thực tế, số vụ tai nạn lao động cao gấp nhiều lần so với số liệu thống kê, bởi không ít các đơn vị thi công luôn muốn ém nhẹm sự thật để bảo vệ uy tín làm ăn, “lách” các đơn vị thanh tra, kiểm tra, không muốn truy trách nhiệm hoặc bị khởi tố, kiện cáo lôi thôi.
Do sự thúc bách phát triển của các đô thị đang tăng trưởng nên tại nhiều tỉnh, thành phố hàng ngàn công trình lớn nhỏ được nâng cấp hoặc xây dựng mới. Điều đáng nói là không ít trong số những công trình ấy thường được giao khoán qua nhiều tầng nấc trung gian, mà không cần biết họ có giấy phép hành nghề hay không. Và số trung gian đó chỉ bộc lộ rõ ràng khi có tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra, cùng với với những “lỗ hỗng” vi phạm to tướng: nhiều công nhân là lao động tự do, chẳng hề có tay nghề chuyên môn, thiếu kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, không có hợp đồng lao động và được bố trí những khâu nặng nhọc nhất, nhưng lại được trả công rẻ nhất. Bên cạnh đó còn do chủ đầu tư, đơn vị thi công thiếu ý thức, trách nhiệm trong việc giám sát điều kiện lao động tại các công trình, quy chế an toàn lao động không được đặt ra nghiêm ngặt…
Tai nạn lao động trong xây dựng không phải là chuyện rủi ro. Đó là hậu quả của sự quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng, là ý thức chủ quan của các đơn vị thi công và của người lao động. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn lao động còn thiếu thường xuyên, cơ chế xử phạt chưa nghiêm, thiếu sức răn đe.
Một cuộc điều tra chung về thực trạng tai nạn lao động gần đây đã đi đến kết luận: Nếu thực hiện đúng các quy chế về an toàn lao động sẽ đề phòng và giảm được 60% tai nạn xảy ra. Nếu được huấn luyện và sử dụng đầy đủ trang bị phòng hộ sẽ loại trừ được 10% tai nạn. Còn lại, 25-28% khả năng tai nạn là do máy móc, điều kiện làm việc thiếu an toàn. Do vậy, để ngăn chặn tai nạn xảy đến cho người lao động, đơn vị sử dụng lao động không cách nào khác là phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình quy phạm đã nêu trong pháp luật về bảo hộ lao động. Tất nhiên, biện pháp quan trọng không thể thiếu là các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử lý thích đáng những DN, người sử dụng lao động không tuân thủ, thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn lao động. Chỉ có như vậy mới kiềm chế, đẩy lùi được tai nạn lao động đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay.