Giảm tải chương trình phổ thông, được không?

Thứ Sáu, 26/06/2020, 22:14 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là HS phổ thông sẽ kết thúc năm học 2019-2020. Trong tuần này và tuần tới, HS sẽ hoàn thành các môn thi học kỳ. Mọi năm, thời điểm này các em đã nghỉ hè được khoảng 1 tháng. Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, HS tiếp tục được cho nghỉ học dài ngày để phòng chống dịch và chỉ chính thức trở lại trường từ ngày 4/5. Tính ra, các em đã được nghỉ học 3 tháng để phòng chống dịch.

Để thích ứng với tình hình dịch bệnh kéo dài, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các nhà trường bố trí phương án dạy học trực tuyến cho HS, đồng thời giảm tải chương trình giáo dục phổ thông. Bằng các hình thức linh hoạt, nhiều nhà trường đã thực hiện việc giảng dạy trực tuyến và giảm tải đúng yêu cầu, đồng thời vẫn bảo đảm chất lượng giảng dạy. Nhờ vậy, năm học này tuy HS phải nghỉ học 3 tháng để chống dịch nhưng chỉ kết thúc muộn hơn thông thường 1,5 tháng. Theo kế hoạch, năm học 2020-2021, HS các cấp MN, TH, THCS và THPT tựu trường vào ngày 31/8, khai giảng ngày 5/9, thực học ngày 7/9. Như vậy, thời gian tựu trường của HS cũng chậm hơn 19 ngày so với năm học 2019-2020.

Đây có lẽ là lần đầu tiên ngành giáo dục trải qua một năm học đặc biệt, khác lạ so với thông thường. Chắc hẳn, thầy và trò còn nhiều bỡ ngỡ với cách dạy và học trực tuyến. Điều này có thể ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng và kết quả học tập của HS. Nhiều HS ở vùng sâu, vùng xa, HS có hoàn cảnh khó khăn gặp trở ngại trong các giờ học trực tuyến do thiếu thiết bị, mạng Internet. Bộ GD-ĐT khẳng định, hoạt động giảng dạy trực tuyến chủ yếu là ôn tập, hướng dẫn HS làm bài cũ để tránh quên kiến thức. Nội dung giảm tải không đưa vào đề kiểm tra, đề thi, đã khiến HS và phụ huynh yên tâm phần nào.

Ở góc độ tích cực, thực tế này đã gợi mở cách làm mới cho ngành giáo dục về việc giảm tải chương trình trong điều kiện bình thường. Nhiều năm trước đây, bậc phổ thông ở Việt Nam đồng loạt khai giảng vào ngày 5/9, sau đó bước vào thực học ngay. Thời gian kết thúc năm học cũng thường là cuối tháng 5 và HS bắt đầu được nghỉ hè từ đầu tháng 6. Kỳ nghỉ tết chỉ kéo dài 1 tuần, đồng thời HS không được nghỉ giữa học kỳ như hiện nay. Ngược lại, kỳ nghỉ hè kéo dài tới 3 tháng. Những năm gần đây, theo chương trình mới của Bộ GD-ĐT, HS tựu trường từ trung tuần tháng 8, sau 1-2 tuần mới thực học và khai giảng năm học mới. Thi xong học kỳ II, HS vẫn đến trường nhưng đa phần không phải học kiến thức mà chủ yếu là vui chơi, đợi bế giảng và nghỉ hè, vì kiến thức đã được học hết rồi. Khoảng thời gian chờ nghỉ hè này kéo dài từ 10 ngày đến 2 tuần. Chương trình hiện nay khiến năm học kéo dài 9,5 tháng.

Từ thực tế kỳ nghỉ kéo dài do dịch COVID-19 và chương trình giáo dục phổ thông hiện nay cho thấy, ngành giáo dục hoàn toàn có thể giảm tải, rút ngắn thời gian năm học. Những môn năng khiếu như: công nghệ, kỹ thuật, âm nhạc, mỹ thuật,… có thể tiết giảm hơn nữa. Các môn học khác có thể giảm tải những bài học, phần học không cần thiết. Tuy nhiên, để việc giảm tải chương trình giáo dục phổ thông đạt hiệu quả, các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, khuyến khích, động viên và giám sát HS tự học, tự nghiên cứu các nội dung giảm tải. Đây cũng là cách khơi gợi tinh thần chủ động, sáng tạo, tự giác học tập trong HS, từ đó giúp HS rèn luyện kỹ năng tự nghiên cứu, tự học, tra cứu tài liệu - những kỹ năng rất cần thiết trong cuộc sống và nền giáo dục hiện đại ngày nay.

Giảm tải chương trình, ngoài những cái lợi nêu trên, HS còn đỡ áp lực bài vở, có thêm thời gian giải trí, vui chơi, luyện tập thể thao và các môn yêu thích. GV có thêm thời gian nghỉ ngơi, học tập nâng cao trình độ. Những cái lợi này rất nên khuyến khích!

NGUYỄN ĐỨC

 
;
.