Bảo vệ môi trường có rất nhiều nội dung liên quan, tuy nhiên trong phạm vi bài viết này người viết muốn đề cập đến khía cạnh vứt rác thải bừa bãi, một trong những vấn nạn tồn tại từ lâu nay chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo Bộ Xây dựng, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả nước gần 16 triệu tấn/năm. Việt Nam là một trong 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển với khối lượng khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm. Với tốc độ sử dụng đồ nhựa, túi nilon như hiện nay, Việt Nam được xếp vào nước có số lượng rác nhựa thải ra gấp đôi so với các nước có thu nhập thấp. Rác thải nhựa ở đại dương sẽ phá hủy môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các loại thủy, hải sản. Trên đất liền, rác thải nhựa có ở nhiều nơi và gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống con người.
Việc thu gom, vận chuyển rác cũng được thực hiện khác nhau giữa đô thị và nông thôn, giữa các địa phương và thậm chí giữa các vùng trong cùng một địa phương. Cụ thể như, tại đô thị, chất thải phát sinh tại các hộ gia đình thông thường được các đơn vị thu gom theo giờ nhất định, các phương tiện xe thủ công được người thu gom sử dụng để chuyển rác thải ra các điểm tập kết, từ đó đưa lên xe vận chuyển về cơ sở xử lý hoặc về trạm trung chuyển trước khi chuyển về cơ sở xử lý. Khu vực nông thôn, nhiều địa phương đã có các tổ tự quản, hội phụ nữ thu gom chất thải theo tần suất nhất định và chuyển đến điểm tập kết để các công ty môi trường đô thị vận chuyển về cơ sở xử lý. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không được thu gom dẫn đến việc hình thành các bãi rác tạm gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, hiện nay tại các khu dân cư vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân thiếu ý thức trong việc vất bỏ rác thải bừa bãi, không đúng nơi quy định để được thu gom triệt để. Bạn tôi, chủ tịch một phường vùng ven tại TP. Vũng Tàu kể một câu chuyện có thật: Gần đây, lợi dụng đêm tối, một số hộ dân thường lén lút vất rác thải tại một khu đất trống trên địa bàn. Cắm bảng cấm đổ rác không hiệu quả. Cử người canh gác thì không sao, nhưng không có người canh gác thì y như rằng hôm sau lại có rác, nhưng lực lượng chức năng của phường có hạn, không thể bố trí người canh gác thường xuyên. Có hôm “mật phục”, người đổ rác bị phát hiện bỏ chạy lại là của phường bạn giáp ranh, đêm tối, không bắt được quả tang, không rõ danh tính làm sao “ăn nói” với phường bạn. Bộ phận chuyên môn đề nghị lắp camera để giám sát, theo dõi, nhưng kinh phí từ đâu ra? Nhùng nhằng mãi rồi chuyện cũng được giải quyết khi chủ mảnh đất quyết định xây nhà!.
Ở một khía cạnh khác, hiện nay ở nhiều khu dân cư đã có quy định khung giờ đổ rác để các hộ dân đưa rác ra được thu gom. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, vẫn có những hộ không thực hiện, quá giờ thu gom rác mới đưa rác ra trước nhà. Hậu quả là bịch rác không được thu gom, nằm trơ trọi 1 ngày trời, gây hôi thối cả một đoạn đường, vừa mất mỹ quan đô thị, vừa gây ô nhiễm môi trường.
Với những hành vi nói trên, có lẽ đã đến lúc cũng cần thiết phải ban hành những chế tài xử phạt để những hạn chế tình trạng vút rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Trong phiên thảo luận tổ đại biểu Quốc hội về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sáng 11/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Chưa nhận thức đúng mức, chưa cương quyết nên việc này lặp đi, lặp lại, nhiều nơi nhức nhối; sự vô trách nhiệm của một bộ phận dân cư cần phải được giáo dục. Đồng thời, Thủ tướng chính phủ cũng lưu ý: “Tình hình uống rượu lái xe, tai nạn giao thông do uống bia rượu giảm hẳn. Phải bỏ ra hàng chục triệu đồng nộp phạt mới nâng cao ý thức. Chúng ta không có chế tài nghiêm, nói mãi cũng nhờn”. Rõ rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải hành động kiên quyết, có chế tài xử phạt nặng mới có thể dẹp bỏ nạn xả rác thải bừa bãi, bảo vệ môi trường sống cho tương lai.