Chủ động phòng, chống thiên tai

Thứ Ba, 16/06/2020, 21:28 [GMT+7]
In bài này
.

Tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp, khó lường. Chỉ trong mấy tháng qua, cả nước xảy ra 7 đợt giông lốc, mưa đá diện rộng, 11 trận động đất, sạt lở bờ sông, bờ biển. Hậu quả 11 người chết và mất tích, hơn 100.000 ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng, thiệt hại kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.

Việt Nam nằm trong khu vực thường xuyên có nhiều bão, mưa, đồng thời với địa hình trải dài, nhiều đồi núi, độ dốc lớn, lượng mưa tập trung trong thời gian ngắn, rất dễ xảy ra lũ... Trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai gia tăng, bất thường. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, sẽ xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020.

Từ dự báo nêu trên, thời gian qua, tỉnh BR-VT đã chủ động xây dựng những phương án ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai. Cụ thể là lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị, thành phố, các cấp, ngành, đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời thông tin đến người dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó; Rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại các khu vực dân cư có nguy cơ rủi ro cao khi xảy ra các tình huống thiên tai như: Bão, bão mạnh, mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất,... nhất là đối với người dân, du khách du lịch tại các khu du lịch ven biển. Xây dựng phương án ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, vật liệu, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ,” nhất là trọng điểm xung yếu trên hệ thống đê điều, hồ chứa, các khu neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng thủy hải sản. Rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai, nhất là phương án ứng phó với bão mạnh, lũ lớn. Chủ động di dời, sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có thiên tai; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng.

Trong 6 tháng cuối năm, tình hình thời tiết sẽ diễn biến phức tạp. Do đó ngoài việc thực hiện các giải pháp trên, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan cần xác định các trọng điểm để sẵn sàng ứng phó khi tình huống xảy ra. Xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng phòng chống thiên tai. Khẩn trương kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình phòng chống thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý và có phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công.  Sử dụng hiệu quả quỹ phòng, chống thiên tai tại các địa phương trong các giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả.

Một vấn đề cần đẩy mạnh hơn nữa, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây có nguy cơ đổ ngã ở xung quanh nhà trước mùa mưa bão. Khẩn trương kiểm tra, rà soát đầu tư, nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão.

Rõ ràng nếu có sự chuẩn bị tốt các phương án phòng, chống thiên tai thì khi có bão, lụt xảy ra thì những thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân sẽ được giảm đi rất nhiều.

PHÚC MINH

;
.