Đã một tuần trôi qua nhưng dư luận vẫn chưa hết sửng sốt, bàng hoàng về vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra sáng 13/6 trên trên Quốc lộ 14 đoạn qua chợ 312 (xã Đắk Rla huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông). Nỗi đau mất mát quá lớn: 5 người chết, 5 người bị thương.
Vụ tai nạn như giọt nước tràn ly, khiến dư luận bức xúc, đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan chức năng
có biện pháp quyết liệt, chấn chỉnh, di dời chợ dân sinh, chợ cóc,
chợ tạm họp tràn lan dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ trên cả nước để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông và cư dân địa phương.
Nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn thảm khốc có thể do hạ tầng yếu kém, do tài xế hoặc phương tiện có vấn đề nhưng việc họp chợ tràn ra lòng lề đường cũng là tác nhân chính. Đáng ngạc nhiên là không ít địa phương còn “quy hoạch” xây chợ sát quốc lộ, tỉnh lộ rất nguy hiểm. Nếu chợ không họp sát lòng lề đường thì đã không có tai nạn đau lòng như thế! Nhân chứng của nhiều vụ TNGT có liên quan đến chợ bên đường quả quyết.
Tại BR-VT, tình trạng họp chợ bên đường, “chợ di động”, chợ tự phát vẫn còn. Bất chấp dòng xe cộ lao vun vút, người bán và người mua vẫn không mảy may lo sợ, vô tư giao dịch, trả giá, hoàn toàn không nghĩ đến những nguy cơ về TNGT.
Báo BR-VT đã nhiều lần đăng tin, bài, hình ảnh phản ánh, cảnh báo những “điểm nóng” về an toàn giao thông do tình trạng họp chợ lề đường, chợ “chồm hổm” mang lại, khiến người dân địa phương bức xúc. Cụ thể là trên các con đường Hoàng Hoa Thám, Lê Lợi, Ngô Quyền… ở khu vực chợ Ngãi Giao huyện Châu Đức, nhiều tiểu thương đã chiếm dụng lòng đường để buôn bán, khiến các phương tiện lưu thông qua khu vực này rất khó khăn.
Tại khu vực trước chợ Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ, nhiều tiểu thương cũng bày biện hàng hóa sát Quốc lộ 51 để buôn bán, một số sạp “trái cây lưu động” lấn hẳn ra làn đường dành cho xe thô sơ, khiến người điều khiển xe máy đi qua đây phải lấn sang làn đường dành cho xe ô tô.
Tại khu vực trước chợ Ngọc Hà (phường Phú Mỹ) và chợ Lam Sơn (phường Phước Hòa), nạn buôn bán sát Quốc lộ 51 cũng xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giao thông tại đây. Lãnh đạo các xã, phường dọc Quốc lộ 51 cho biết, 5 năm trở lại đây, số nạn nhân bị thiệt mạng và bị thương do các vụ TNGT trên Quốc lộ 51 có liên quan đến “chợ bên đường” lên đến cả trăm người.
TNGT do các khu chợ tạm, chợ tự phát tồn tại ven quốc lộ là vấn nạn được báo động từ lâu, cũng là bài toán được đặt lên bàn của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để tìm cách tháo gỡ nhưng đến nay vẫn chưa chuyển biến. Sau mỗi vụ tai nạn, những phát biểu hứa hẹn sẽ sớm “khắc phục”, “chấn chỉnh” chỉ đủ thỏa mãn cảm xúc ngắn hạn của dư luận, chứ chưa chặn đứng, ngăn ngừa được những tai nạn thảm khốc tiếp theo.
Để các quốc lộ, tỉnh lộ thực sự an toàn, những điểm đen giao thông nói trên cần phải được rà soát và đưa vào diện giải quyết ưu tiên. Không ai khác mà chính quyền địa phương chính là nơi phải khẩn trương, quyết liệt hành động để ngăn chặn hiểm họa “chợ bên đường”. Việc thỉnh thoảng ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT, lấn chiếm lòng lề đường để họp chợ, treo biển cảnh báo hoặc dựng rào chắn phân cách cho người dân dễ nhận diện để vào ra hợp lý tránh TNGT là chưa đủ. Xử lý theo kiểu chạy theo “vụ việc”, mỗi lần có một vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra cơ quan chức năng lại “kiên quyết”, “ra quân” chấn chỉnh không phải là cách chặn đứng hiệu quả hiểm họa “chợ bên đường”. Việc cần làm là rà soát, nhận diện, di dời ngay những “chợ bên đường” đã nhiều lần xảy ra tai nạn chết người, đặc biệt với các quốc lộ, tỉnh lộ; Quy hoạch, sắp xếp nơi buôn bán cho tiểu thương. Những người không chịu vào chợ buôn bán, cứ duy trì thói quen cũ, bám lòng lề đường để kinh doanh buôn bán phải được xử lý nghiêm. Tất nhiên, cần phải dành những bản án thích đáng, nghiêm khắc dành cho những lái xe chở quá tải, thiếu ý thức, sử dụng chất có cồn, ma túy trong khi tham gia giao thông. Không ít vụ TNGT thảm khốc ở các chợ bên đường xảy ra là do lái xe “mắc” những lỗi này.
NGUYỄN HƯNG NHƠN