Thay đổi để nông nghiệp cất cánh

Thứ Sáu, 22/05/2020, 20:37 [GMT+7]
In bài này
.

Từ nhiều năm nay, việc mở rộng quy mô vùng chuyên canh nông sản xuất khẩu (CCNSXK), nhất là các loại cây trái đặc sản của từng vùng miền, được các địa phương trong cả nước tích cực triển khai thực hiện. Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng được các vùng CCNSXK, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (SXNNTT) với nhiều loại cây trồng, vật nuôi đa dạng và phong phú.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhìn chung việc xây dựng các vùng SXNNTT và CCNSXK trên địa bàn cả nước còn chậm, chưa có nhiều vùng CCNSXK quy mô lớn để phục vụ chế biến, xuất khẩu và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Nguyên nhân khiến việc xây dựng các vùng SXNNTT và các vùng CCNSXK phát triển chậm là do lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vốn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, dịch bệnh diễn biến bất thường và phức tạp. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các trang trại còn manh mún, nhỏ lẻ, nên việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất còn bị hạn chế. Nông nghiệp và nông thôn là khu vực dễ bị tổn thương, rủi ro cao, trong khi nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp thấp so với nhu cầu thực tế. Nhiều hộ dân vẫn còn mang nặng tư tưởng giữ đất, gây khó khăn trong việc tích tụ tập trung đất đai và xây dựng các vùng SXNNTT.

Tại hội thảo “Giải pháp hỗ trợ DN đầu tư dự án và trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC); Phát triển chuỗi cửa hàng tiêu thụ nông sản sạch trên địa bàn tỉnh BR-VT”ngày 20/5 mới đây, các DN cũng đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc, khiến cho việc đầu tư vào lĩnh vực này chưa hiệu quả. Đó là cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu quỹ đất đủ lớn để đầu tư sản xuất NNUDCNC. Đa số hộ sản xuất, HTX và DNNVV chưa thể tham gia được vào các chuỗi giá trị của những tập đoàn lớn. Những rủi ro về thị trường, sự phá vỡ hợp đồng giữa DN với nông dân vẫn thường xuyên xảy ra, gây tâm lý lo ngại, không mạnh dạn đầu tư. Theo số liệu của Sở NN-PTNT, đến nay, cả tỉnh có 61 cơ sở sản xuất, trồng trọt UDCNC với diện tích 2.819 ha, sản lượng ước đạt 37.906 tấn/năm; 7.450 ha cây lâu năm áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Các vùng sản xuất chuyên canh, vùng NNUDCNC đang trong quá trình hình thành, như: Vùng sản xuất rau công nghệ cao tại TX.Phú Mỹ, vùng cây ăn quả đặc sản tại các huyện: Đất Đỏ, Xuyên Mộc; vùng sản xuất hoa, cây cảnh tại TP.Bà Rịa và huyện Đất Đỏ… Tính đến nay, toàn tỉnh đã có gần 200 tổ chức, cá nhân đầu tư vào các mô hình NNUDCNC; 62 DN với 63 dự án đăng ký xin chủ trương đầu tư các dự án NNUDCNC trên tổng diện tích 3.160 ha đất.

Việc xây dựng các vùng SXNNTT, các vùng chuyên canh tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao. Theo đó, cần có sự tập trung thống nhất quản lý nhà nước mọi nguồn vốn đầu tư trong nông nghiệp, xóa bỏ các đầu mối, các tầng nấc trung gian, gây cản trở, chệch hướng các dòng vốn đến với sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn liền với đào tạo, chuyển dịch lực lượng lao động trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tích tụ ruộng đất và phát triển sản xuất quy mô lớn. Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách cho vùng SXNNTT, vùng NNUDCNC và hình thành chuỗi sản xuất bền vững. Đồng thời, các trung tâm khuyến nông cần lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất hiệu quả nhất, có sức thuyết phục cao và có khả năng lan tỏa để chuyển giao cho bà con nông dân.

Để đạt được mục tiêu mở rộng quy mô vùng chuyên canh nông sản xuất khẩu và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, giúp ổn định đầu ra cho các loại sản phẩm, các địa phương cần chủ động và tăng cường thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nông sản theo đường chính ngạch. Tích cực hướng dẫn các DN, các tổ chức HTX, các cá nhân tham gia xây dựng và quảng bá cho các thương hiệu nông sản của địa phương, đơn vị mình. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ và tăng cường công tác truyền thông để các DN, các trang trại thay đổi tập quán canh tác, áp dụng các quy trình, quy chuẩn công nghệ sạch, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm hướng đến sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm chất lượng nông phẩm xuất khẩu của từng địa phương.

HOÀNG LÊ

;
.