Tin tưởng và kỳ vọng
Hôm nay 20/5, khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Một kỳ họp đặc biệt theo nhìn nhận, đánh giá của các đại biểu Quốc hội (QH), cử tri và các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên một kỳ họp QH được tiến hành trực tuyến kết hợp với tập trung. Với hệ thống ứng dụng các công cụ họp thông minh trên nền tảng kỹ thuật số, các đại biểu QH có thể phát biểu, biểu quyết kịp thời các vấn đề của kỳ họp - một cách thức để QH có thể “phản ứng nhanh” trước trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, đồng thời khẳng định quyết tâm xây dựng QH điện tử của Quốc hội Việt Nam. Với phương thức làm việc này - như Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc nhận định, mặc dù ngồi tại Văn phòng QH ở địa phương, nhưng các đại biểu QH phát biểu, tranh luận, biểu quyết các vấn đề để các cuộc họp diễn ra bình thường như tại phòng họp trực tiếp.
Đặc biệt, bởi trong thời gian 19 ngày (không tính ngày nghỉ), ngoài nhiệm vụ xây dựng pháp luật, các đại biểu QH sẽ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ra khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng chưa từng có trên phạm vi toàn cầu.
Cùng với cả nước, cử tri BR-VT đặt niềm tin và kỳ vọng vào kỳ họp đặc biệt này của QH. Các đại biểu QH không chỉ đóng góp công sức, trí tuệ vào công việc xây dựng lập pháp, mà còn đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; Tham gia giám sát, giải đáp kịp thời những kiến nghị của cử tri đề nghị về các vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, tăng cường tiềm lực quốc phòng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc và những vấn đề bức xúc của xã hội như: tham nhũng, nạn phá rừng bừa bãi, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, các băng nhóm giang hồ, xã hội đen lộng hành, quấy nhiễu người dân, tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước và bảo vệ nguồn tài nguyên nước…
Theo Báo cáo của Chính phủ, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ đã đặt ưu tiên hàng đầu là phòng, chống dịch, sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. GDP quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng 4,9% - mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020, nhưng so với tháng trước, CPI tháng 4/2020 đã giảm 1,54%, thể hiện lạm phát vẫn đang được kiểm soát. An ninh lương thực và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng nhận được sự hoanh nghênh, đồng tình. Những kết quả đó cho thấy Chính phủ đã rất nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm giải quyết “nhiệm vụ kép”, là vừa ưu tiên phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội.
Dù đã đẩy lùi đại dịch COVID-19, được cộng đồng thế giới đánh giá cao cả về năng lực đối phó và nỗ lực duy trì động lực tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nhưng phía trước chúng ta còn không ít khó khăn, thách thức, nguy cơ bùng phát làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19. Chính vì vậy mà tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý “Chính sách kinh tế vĩ mô phải tỉnh táo, lạc quan có mức độ nhưng nỗ lực là tột độ. Trước mắt phải cố gắng hết sức để đạt tăng trưởng cao nhất”.
Mỗi kỳ họp QH đều có dấu ấn riêng, nhưng Kỳ họp thứ 9 quả thật là một kỳ họp đặc biệt. Cử tri cả nước tin tưởng với sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu QH sẽ góp phần thiết kế những “chính sách vĩ mô tỉnh táo”, đồng lòng cùng Chính phủ và người dân nỗ lực vượt khó, đạt bằng được mục tiêu kép đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.
NGUYỄN TRIỆU HẢI