Bà Rịa-Vũng Tàu cùng 7 tỉnh thành khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ được kiến tạo như một bát giác kim cương, trở thành siêu đô thị hùng cường ngang tầm Đông Á. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Thủ tướng và 8 tỉnh, thành phố trọng điểm phía Nam diễn ra tại BR-VT. Thủ tướng coi đó là nhiệm vụ mang tính lịch sử “chỉ được bàn tiến, không bàn lùi”. Thủ tướng kêu gọi những ý tưởng kiến tạo từ các địa phương, đề xuất những giải pháp từ thực tiễn, xuất phát từ thực tế để thúc đẩy liên kết vùng, tạo thành một “bát giác kim cương”, biểu tượng của sự liên kết bền vững, một thực thể thống nhất, nhưng cũng giữ được sự long lanh, sắc cạnh và mũi nhọn của từng địa phương. Chính phủ sẽ xây dựng dự án đặc thù và hỗ trợ tối đa về vốn, thể chế để hoàn thành mục tiêu.
Đây là lần đầu tiên, trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh BR-VT và Đảng bộ các tỉnh, thành khác trong khu vực, Thủ tướng Chính phủ chủ trì một hội nghị cấp vùng, ý nghĩa vô cùng quan trọng, để có những định hướng phát triển trong tương lai. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt là xây dựng cơ chế, thể chế và hạ tầng cơ bản để nâng tầm liên kết khu vực với định hướng rõ ràng là tiến tới vùng đô thị.
Hội nghị mở ra rất nhiều cơ hội cho các tỉnh thành, đặc biệt là Bà Rịa-Vũng Tàu, trong bối cảnh địa phương đang xúc tiến và triển khai những dự án trọng điểm, có dự án cần đến sự chỉ đạo, cho ý kiến từ Chính phủ. Phần lớn đều là những dự án then chốt để liên kết vùng, có thể tạo nên đường băng đẹp cho BR-VT cất cánh trong tương lai: Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, các dự án thành phần của đường liên cảng, dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu... Tất cả những dự án này, đều thuộc lĩnh vực giao thông, là nền tảng cơ bản nhất để BR-VT có thể mở rộng cánh cửa phát triển, kết nối thị trường, nguồn nguyên liệu và nhân lực với các tỉnh, thành trong khu vực. Trong số các dự án kể trên, có dự án được đặt ra và xúc tiến triển khai từ nhiều năm nhưng chưa thể hoàn thành vì những lý do khác nhau, chủ yếu liên quan đến nguồn lực đầu tư.
Đối với một khu vực chiếm đến 43% GDP cả nước; 3 trong 8 tỉnh, thành đóng góp ngân sách Nhà nước hàng đầu thì việc xác định một cơ chế đặc thù để phát triển trong tương lai là vô cùng cần thiết. Thực sự, đó là nhiệm vụ lịch sử. Không kích hoạt trọn vẹn lợi thế, tiềm năng của nhóm tỉnh, thành phố trọng điểm phía Nam trong tiến tình xây dựng đất nước là lỗi hẹn với lịch sử.
Nhưng như một học giả nghiên cứu đã từng chia sẻ, nếu coi các tỉnh thành phía Nam là đầu tàu, thì với tốc độ phát triển hiện nay, đầu tàu đó không thể chạy bằng hơi nước. Đòi hỏi sự đầu tư nhiều hơn về hạ tầng, đặc biệt là giao thông để đầu tàu đủ mạnh.
Tình hình thực tế tại BR-VT cho thấy, hạ tầng giao thông yếu, phụ thuộc vào QL51 đang làm nảy sinh lực cản sự phát triển của cảng biển, du lịch và các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, trong Phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề cập đến những yếu tố chưa tương xứng, chưa công bằng trong đầu tư công về hạ tầng giao thông đối một số khu vực trong cả nước. Soi lại vị trí của BR-VT trong nền kinh tế, trong đó có nhiều lĩnh vực như cảng biển, dầu khí được coi là nguồn lực quốc gia thì sự chậm trễ đầu tư hạ tầng là chưa tận dụng hết tiềm năng.
Tuy nhiên, trước những đòi hỏi từ nhu cầu phát triển, trong bối cảnh nguồn lực đất nước có hạn, lãnh đạo tỉnh BR-VT đã năng động, chủ động đề xuất các phương án tháo gỡ khó khăn, xúc tiến xây dựng những dự án lớn theo một kịch bản khả thi nhất có thể. BR-VT đã không thụ động ngồi chờ người đến gõ cửa, mà đã tự mở cửa bước ra. Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang dần trở thành hiện thực là minh chứng cho sự chủ động này. Và bây giờ, trước tinh thần chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu Chính phủ theo một chủ trương nhất quán: chỉ bàn tiến, không bàn lùi, BR-VT sẽ có thêm động lực, niềm tin để đề xuất nhiều hơn những ý tưởng phát triển, xứng đáng với kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về một địa phương mũi nhọn ở phía Nam.
HOÀNG NAM