“Lần đầu tiên con được leo lên cao dữ... 1.133 bậc thang... Con còn thấy hết biển với cả nhà cửa thành phố Vũng Tàu... Đúng mơ ước của con rồi...”, cậu bé 12 tuổi ở quận 10, TP.Hồ Chí Minh đứng ở ngách tay áo Tượng Chúa Kito trên Núi Nhỏ nói đứt quãng giữa tiếng gió rít. Trên độ cao 176m so với mực nước biển, cả tiếng cười giòn tan của cậu cũng theo gió bay xa, như tan cùng những bọt sóng trắng xoá dưới bãi biển kia. Ở đó, đã không còn cảnh biển người như mọi năm khi năm nay chính quyền thành phố Vũng Tàu kiên định lệnh cấm biển trong suốt kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.
Mới vài hôm trước đây, khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, đã có hàng ngàn người dân địa phương và du khách đổ về Vũng Tàu tắm biển, xả stress vì “ở nhà nhiều quá, chồn chân”, vì “nắng nóng quá chỉ ao ước được nhúng chân xuống biển” như lời giải thích chân thật của nhiều người. Vậy nên, “dễ gì đợt nghỉ lễ kéo dài 4 ngày mà giữ yên được cửa biển”, “chắc lại phải loa kèn, xe pháo chạy khắp các bãi”, “nhắc bãi này lại đổ xô qua bãi khác”, “đóng biển thì khách lại đi tỉnh khác vui chơi thôi”... Dự đoán của mọi người về khả năng “bại nhiều hơn thành” âu cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng hoàn toàn khác với tất cả những suy đoán. Khách về Vũng Tàu vẫn đông. Thay vì chạy ù xuống giỡn sóng - tắm biển thỏa thích, dòng người xe thư thái rong ruỗi qua các con đường ven biển, lên ngọn Hải Đăng, Tượng chúa Kito trên Núi Nhỏ, đi cáp treo lên KDL Hồ Mây... Nhiều bức ảnh đẹp, những cảm xúc mới lạ, những trải nghiệm thú vị với vài góc ngồi ở một nơi khác mà mọi người có thể lần đầu đặt chân đến.
Hầu hết các quán cà phê, nhà hàng ven biển đều kín khách. Nhưng thay vì thêm bàn, thêm dù che nắng để đón thêm khách, các chủ quán ra tận cửa giải thích về việc thực hiện giãn cách xã hội để giữ an toàn sức khoẻ cho mọi người, mọi nhà; cáo lỗi vì đã không đón khách chu đáo và ân cần mời quay lại trong dịp gần nhất khi qua mùa dịch COVID-19.
Phía bãi tắm, cũng không cần nhiều lắm những song chắn barie làm rào cản, cũng chưa cần nhiều loa tay phát lệnh. Áo xanh đoàn viên, thanh niên tình nguyện, nhóm các anh dân quân tự vệ các phường, BQL các KDL đi dọc bãi biển, chỉ để căn dặn vài bạn trẻ mải mê chụp ảnh cho nhau “sớm đeo lại khẩu trang” sau khi có những tấm ảnh đẹp. Trả lời cho sự đồng cảm từ phía thanh niên tình nguyện “tiếc là nắng đẹp như vầy mà mọi người không được tắm biển”, nhiều du khách trẻ tươi cười, thổ lộ: “Đâm ra lại hay. Vì đây là lần đầu tụi em được ngắm biển đẹp trong thanh tịnh, yên ả, nên thơ, không xô bồ, ồn ã”; “Tụi em coi đài, báo địa phương rồi mới đi chơi nên biết cấm biển rồi nên đâu có dám làm trái. Bệnh này cả thế giới lo ngại, phải cảnh giác thôi”.
Câu chuyện từ giới truyền thông Mỹ xác nhận hồi tháng 2 với lễ hội Mardi Gras tại New Orleans, có 1,4 triệu người tham gia được coi là “sự kiện siêu lây nhiễm” ở đất nước này. New Orleans được ghi nhận tốc độ gia tăng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất thế giới sau 2 tuần phát hiện ca nhiễm đầu tiên. Và New Orleans được kết luận là “cơn bão hoàn hảo” cho sự lây lan COVID-19 với những con phố kín đặc người dự lễ hội cụng ly, diễu hành, nhảy múa.
Tiếp theo đó, các bãi biển phía đông Florida, người dân và du khách bất chấp cảnh báo của Trung tâm phòng chống và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ phát đi khuyến cáo tránh tụ tập đông người để giảm nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh. Florida sau những phút giây thăng hoa cùng sóng biển cũng liệt vào nhóm lây nhiễm nhanh do cộng đồng với 36 ngàn ca, trong đó đã có 1.364 ca tử vong.
Tình trạng lưu thi thể nạn nhân COVID-19 trong các container trữ đông ở Mỹ vẫn đang tiếp diễn; Nga đang gia tăng số lây nhiễm trong quân đội, càng nghiêm ngặt giải pháp “cách biệt cộng đồng”; Pháp kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế thêm 2 tháng, đến 24/7; Nhật mạnh tay đóng cửa công viên, dỡ bỏ vườn hoa tulip, chặt bỏ những nhánh to của cội tử đằng 600 năm tuổi để ngăn việc người dân tụ tập ngắm hoa trong mùa dịch... Số phận của cả nhân loại đang phụ thuộc rất nhiều vào kịch bản phòng chống dịch của từng quốc gia. Nhưng lại hoàn toàn nằm trong tay của mỗi con người trong nhận thức, trong hành động ứng phó phù hợp và tương thích với kịch bản đó.
Với một thành phố nhỏ như Vũng Tàu trong guồng quay chống dịch bệnh, câu chuyện cấm biển có thể được coi là quan trọng khi nhận được sự đồng thuận của mọi người dân và khách tham quan. Sau 4 ngày dài với thênh thang biển vắng, 19h tối Chủ nhật, 3/4, du khách đã vãn, thành phố trở lại với những tất bật quét dọn của hàng quán, của công nhân vệ sinh đô thị, của những bữa cơm tối quây quần ấm cúng... Bản tin từ Đài truyền hình quốc gia phát đi tín hiệu vui: “Tròn 17 ngày Việt Nam không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng; 9 ngày liên tiếp không ghi nhận thêm ca mới mắc COVID-19”. Đó là niềm hy vọng cho một giai đoạn mới, một giai đoạn cần lắm sự chung tay của toàn dân chống dịch, ngay từ những việc tưởng chừng như rất nhỏ, như chỉ ngắm biển từ xa thôi!
NGỌC MINH