Vượt đại dịch bằng sức mạnh nội sinh

Chủ Nhật, 12/04/2020, 23:41 [GMT+7]
In bài này
.

DN đang hứng chịu những tổn thất nặng nề do tác động của đại dịch COVID-19, từ việc bị thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh đến tiêu thụ sản phẩm, nhất là các ngành công nghiệp, nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ… Mới đây nhất (ngày 6/4), BQL các KCN tỉnh đã có báo cáo gửi UBND tỉnh nêu rõ những khó khăn của DN. Theo đó, hơn 2 tháng qua, các DN phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước đang bị COVID-19 hoành hành đều phải hoạt động cầm chừng, thậm chí đang đối mặt với nguy cơ thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động. BQL các KCN đưa ra một số dẫn chứng cụ thể: DN ngành thép liên tiếp sụt giảm doanh số, sản xuất quý I chỉ đạt 80% kế hoạch. Đặc biệt, một số DN, do không có đơn hàng mới nên phải cắt giảm đến 60% lao động (Công ty TNHH thép Povina). Các DN hoạt động trong lĩnh vực logistic cũng bị ảnh hưởng nặng nề, lượng hàng hóa thông quan sụt giảm mạnh.

Cũng theo BQL các KCN tỉnh, do tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu hoặc không có đơn hàng mới mà một số công ty đã cho lao động nghỉ việc từ 1/4 đến 19/4/2020 nhưng vẫn cho hưởng 70-100% lương (Công ty TNHH UniformMagement Services Việt Nam - KCN Đông Xuyên; Công ty TNHH Shirts North Việt Nam - KCN Đông Xuyên). Công ty TNHH sản xuất đồ gỗ cao cấp Thượng Hảo (KCN Mỹ Xuân B1-Conac) thì thực hiện cho toàn thể 88 lao động nghỉ việc ngày thứ Sáu, thứ Bảy hàng tuần không hưởng lương. Công ty TNHH Fullxin Việt Nam (KCN Châu Đức) cho 351 lao động nghỉ chờ hưởng 75% lương do không có đơn hàng và đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động vào cuối tháng 4/2020.

Ngoài các khó khăn nêu trên, các DN còn đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nước ngoài là các chuyên gia, lao động quản lý, lao động kỹ thuật để điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như triển khai dự án (Công ty TNHH Cửu Tỉnh, Công ty TNHH Muji Việt Nam, Công ty TNHH Austal Việt Nam...).

Hiện nay, nhiều DN đều cho rằng, những giải pháp hữu hiệu mà Chính phủ, bộ, ngành, chính quyền địa phương cần làm để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của DN chính là việc giảm lãi suất cơ bản, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các DN các ngành hàng bị tác động do dịch COVID-19. Đồng thời, có chính sách phát triển thị trường nội bộ giữa các DN và Hiệp hội DN trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý; giảm tiền thuê đất, giảm giá điện, giá nước; xem xét và có chính sách phù hợp để các chuyên gia nước ngoài có thể nhập cảnh vào Việt Nam...

Có thể nói, ngay từ khi dịch COVID-19 xảy ra, toàn bộ hệ thống chính trị đã nhanh chóng vào cuộc, chia sẻ đầy trách nhiệm với DN. Tuy nhiên, với sức ảnh hưởng nặng nề lên mọi mặt đời sống, thật khó để đưa ra được những chính sách mang tính toàn diện cho tất cả. Trước hết, cần phải thấy rằng, trong sự khó khăn chung của các DN, thời gian qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm và đã kịp thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ. Nhưng đi cùng với điều này, yêu cầu đặt ra với cộng đồng DN chính là nỗ lực, chủ động tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu thị trường để tự tìm hướng đi thích hợp. Có như vậy, DN mới có thể phục hồi nhanh sau khi dịch bệnh COVID-19 kết thúc.

PHÚC MINH

;
.