Ông Hiền ngồi thẫn thờ nhìn vườn hồ tiêu xơ xác vừa mới chặt xong. Trong kho, hơn 5 tấn hạt hồ tiêu vẫn đang chất đống, hiện giá bán chỉ còn 39.000 đồng/kg. Ông chưa bán vì với giá đó, không đủ trả công thuê hái chứ chưa nói đến chi phí phân bón, điện, nước tưới…
Vườn hồ tiêu đang ở độ tuổi sung sức nhất, hiện cho năng suất rất cao, từ 3,5 đến 4 tấn/ha. Nhưng chẳng một chút ngần ngại, thu hoạch tới đâu, ông Hiền chặt tới đó. Nhìn 3ha hồ tiêu giờ chỉ còn trơ gốc, ai cũng xót xa.
Hơn 20 năm gắn bó với cây hồ tiêu, từng trắng tay sau nhiều lần cây nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm, nhưng cũng nhờ hồ tiêu mà ông Hiền xây nhà lầu, sắm xe hơi, thậm chí mua nhà cho cậu con trai tại TP. Hồ Chí Minh “để sau này tốt nghiệp đại học, nó có nhà ở” - như lời ông chia sẻ.
Vốn là một nông dân cần cù, siêng năng, lại chịu khó học hỏi, nắm bắt khoa học kỹ thuật, ông Hiền chưa từng khuất phục trước những đợt dịch hại gây bệnh chết nhanh chết chậm, nấm... Vườn tiêu của ông được đánh giá là năng suất cao nhất vùng nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác. Ông cũng trở thành một trong những gương nông dân sản xuất giỏi cấp xã, huyện, tỉnh.
Nhưng với giá hồ tiêu thì ông đành bó tay!
Dù là “cây trồng vàng” một thời, tuy nhiên hồ tiêu không còn là lựa chọn kinh tế tối ưu trong vài năm trở lại đây. Ông Hiền cũng như nhiều nông dân khác, sau bao đời gắn bó với cây hồ tiêu đã buộc phải chặt bỏ để tìm một hướng đi mới. Trồng cây gì, nuôi con gì để cho hiệu quả kinh tế cao đang là một bài toán khó đối với ông cũng như nhiều nông dân hiện nay. Những người hàng xóm vốn đổ nợ vì cây hồ tiêu do trồng theo phong trào đã thêm một lần nữa, cắm sổ đỏ vay ngân hàng để xây dựng trang trại nuôi gà, heo.
Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu trên cả nước tăng rất nhanh, vượt định hướng phát triển trên 100 ngàn ha. Nguyên nhân là do từ năm 2015 hồ tiêu tăng cao kỷ lục, nông dân đổ xô trồng, sản lượng tăng nhanh hơn so với nhu cầu dẫn tới tình trạng dư thừa, cung vượt cầu. Hệ quả là 5 năm qua, giá hồ tiêu đã sụt từ 10 USD/kg xuống còn chưa đầy 2 USD/kg. Tuy nhiên, không giống như nhiều loại nông sản khác, thời gian “đổ dốc” của hồ tiêu đã kéo dài tới 5 năm và giai đoạn tiếp theo vẫn còn rất khó khăn là điều vô cùng đáng lo ngại. Câu hỏi quan trọng nhất hiện nay là giá hồ tiêu sẽ còn giảm bao nhiêu nữa và còn kéo dài bao lâu thì vẫn chưa có câu trả lời.
Tất nhiên, các chuyên gia, nhà quản lý sẽ tiếp tục vào cuộc để tìm ra các hướng đi cho hồ tiêu. Nhưng có một điều hết sức rõ ràng là, nếu các địa phương không kiểm soát tốt diện tích hồ tiêu, nông dân không thay đổi tập quán sản xuất chỉ chạy theo số lượng mà không quan tâm chất lượng, ngành hồ tiêu sẽ lún sâu vào khủng hoảng thừa, người trồng tiêu tiếp tục thua lỗ. Trong liên kết với DN, nông dân cũng phải tuân thủ quy trình canh tác do DN đề ra để có sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu ở những thị trường khó tính nhất. Đặc biệt, phải cải thiện năng lực chế biến, bởi hiện nay dù cả nước có hơn 200 nhà máy chế biến hồ tiêu nhưng việc chế biến tinh lại chưa cao. Trong xu hướng nguồn cung quá lớn, nếu chỉ hướng đến sản xuất hồ tiêu để làm gia vị thì đó là một sự lãng phí. Hồ tiêu làm mỹ phẩm, nước hoa, làm nguyên liệu thứ cấp cho các ngành khác phải là con đường cần tính đến bởi nhu cầu này trên toàn cầu là rất lớn.
Nếu không làm được những điều này thì hồ tiêu khó trở lại danh xưng “cây trồng vàng” như đã từng sở hữu!
NGÔ GIA