Tuần rồi qua kiểm tra dịch tễ, cơ quan chức năng TP. Hà Nội phát hiện bệnh nhân 243 ở Hạ Lôi, Mê Linh có biểu hiện ho, sốt đã tự đi mua thuốc điều trị tại một hiệu thuốc gần nhà. Sau khi uống thuốc thấy đỡ, bệnh nhân đã đi lại khắp nơi. Hậu quả khiến cả thôn Hạ Lôi bị phong tỏa. Trước “lỗ hổng y tế” này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo khẩn Sở Y tế thông tin tới 7.000 hiệu thuốc trên địa bàn khi bán cho những trường hợp mua thuốc cảm, sốt, ho các hiệu thuốc phải khai báo y tế ngay lập tức và báo ngay cho y tế của phường tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Hiệu thuốc nào không hợp tác, để sót sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19.
Vụ việc bệnh nhân 243 tự ý mua thuốc cảm cúm về uống khi bị ho, sốt khiến người ta nhớ tới thói quen mua bán thuốc không toa đang khá phổ biến ở nước ta. Nó cũng khiến chúng ta nhớ lại 2 năm trước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng đưa ra một nhận định, rằng “Việt Nam quản lý bán thuốc lỏng lẻo bậc nhất thế giới”.
Lâu nay, khi cảm thấy trong người không khỏe - thường là các dạng bệnh cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, đau nhức… nhiều người vẫn tìm ra hiệu thuốc, nói sơ qua tình trạng bệnh và nhân viên nhà thuốc cũng hồn nhiên đóng vai bác sĩ, bán thuốc ngay cho người mua cùng với lời hướng dẫn nhiệt tình.
Ngoài thói quen tự mua thuốc không cần toa, nhiều người bệnh còn dùng toa thuốc cũ hoặc mượn toa thuốc của người khác để dùng. Hậu quả của việc này là hàng trăm bệnh nhân phải đi cấp cứu mỗi năm. Nhiều ca bị biến chứng, rối loạn nội tiết, giảm sức đề kháng, thậm chí có trường hợp nhiễm trùng nặng, nguy hiểm đến tính mạng. PGS TS Lương Ngọc Khuê, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế ) chia sẻ.
Tình trạng lạm dụng kháng sinh không chỉ ở người dân mà ngay cả ở ngành y. Tại nhiều phòng khám tư hoặc bệnh viện công cũng có tình trạng bác sĩ coi hậu quả của kháng thuốc không có gì nghiêm trọng nên kê toa thuốc kháng sinh kiểu lạm dụng, bao vây. Có bác sĩ không chỉ dùng một mà phối hợp nhiều loại kháng sinh. Một khảo sát của Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy khoảng 50% kháng sinh được bác sĩ kê đơn bất hợp lý; 32% bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh cho các bệnh nhân không nhiễm khuẩn; 33% bác sĩ sử dụng kháng sinh kéo dài và không cần thiết…
Tình trạng mua bán thuốc bừa bãi, đặc biệt là thuốc kháng sinh đã khiến cho vấn đề kháng kháng sinh tại Việt Nam ngày càng gia tăng, dẫn đến hàng loạt hệ lụy khó lường: tăng tỷ lệ kháng kháng sinh, phát sinh bệnh mới, tăng số ngày và chi phí điều trị, thậm chí… tử vong.
Bộ Y tế đã có nhiều đề án, chương trình tăng cường kiểm soát bán thuốc theo toa, trong đó tập trung “đánh” mạnh vào tình trạng bán thuốc kháng sinh không toa. Hiệu thuốc nào không thực hiện quy định trên sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh. Dẫu vậy, tình trạng mua bán thuốc không toa không hề giảm.
Vụ việc bệnh nhân 243 tự ý mua thuốc kháng sinh về uống trót lọt một lần nữa cho thấy những biện pháp quản lý hiện hành chưa hiệu quả; Ngành y tế vẫn chưa có một giải pháp toàn diện để kiểm soát bán thuốc theo toa, kiểm soát số lượng thuốc nhập vào, bán ra, số đơn thuốc lưu tại các nhà thuốc và phòng khám tư nhân như lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận cách đây không lâu.
Có lẽ đã đến lúc cần có một chế tài quyết liệt, tương tự như quy định của UBND TP. Hà Nội đối với các nhà thuốc trên địa bàn qua vụ việc bệnh nhân 243 tự ý mua thuốc cảm cúm về dùng. Nhà thuốc nào không chấp hành, bị phát hiện sẽ bị rút giấy phép kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự, có lẽ sẽ hạn chế được tình trạng mua bán và sử dụng kháng sinh vô tội vạ như hiện nay.
Về phía người bệnh, có một lời khuyên rất chí lý rằng: Hãy tạo thói quen đi khám khi nghi ngờ mắc bệnh thay cho việc tự ý mua và dùng thuốc bừa bãi. Chỉ thực sự uống thuốc khi có sự chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ. Việc quá lạm dụng kháng sinh sẽ khiến kháng sinh trở nên kém hiệu quả và kết cục con người phải đối mặt với căn bệnh mà chúng ta chẳng biết phải điều trị thế nào.
NGUYỄN TRIỆU HẢI