Sáng qua, khi đi chợ Cô Giang ( TP. Vũng Tàu) tôi tình cờ chứng kiến cảnh lời qua tiếng lại giữa một bà nội trợ và bà bán thịt heo. Không căng thẳng lắm nhưng rõ ràng rất “kịch tính”. Khi nghe bà bán thịt trả lời giá thịt heo sườn non 210.000 đồng/kg, bà nội trợ thắc mắc “Sao cao vậy. Tôi thấy trên mạng và cả tivi nói giá thịt heo đã giảm sâu rồi mà?”. Bà bán thịt heo cười mát:“Đây không có giá đó đâu. Bà muốn rẻ lên mạng và tivi mà mua!”.
Hóa ra, chuyện mặt hàng thịt heo có 2 loại giá, “giá ngoài chợ” và “giá trên tivi” mà báo chí đề cập mấy ngày qua không phải là chuyện vui mùa dịch bệnh mà là chuyện thật. Nó cho thấy Bộ NN-PTNT vẫn còn đang loay hoay giải bài toán nguồn cung. Nỗ lực “ghìm cương” và kéo giá thịt heo xuống dưới 60.000 đồng/kg của bộ này vẫn chưa như kỳ vọng. Thống kê của Cục Chăn nuôi cho biết, trước khi có dịch tả heo châu Phi, mỗi quý thị trường cần tới 910.000 tấn nhưng vừa qua chỉ đạt 820.000-830.000 tấn.
Không phải mới đây mà từ nhiều năm qua giá thịt heo đã nhiều lần lên “cơn sốt”. Tuy nhiên từ cuối tháng 9/2019 đến nay, giá thịt heo tăng cao có lúc dẫn đến “vỡ trận” khiến Chính phủ phải tổ chức mấy cuộc họp liền về kiểm soát giá thịt heo và việc bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng này. Tại cuộc họp ngày 20/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải kiên quyết đưa giá thịt heo xuống 70.000 đồng/kg trong thời gian tới bằng các biện pháp phù hợp. Các DN trong ngành chăn nuôi cũng cam kết đưa giá thịt heo về đúng với giá trị thực. Thế nhưng, giá thịt heo tại các chợ và siêu thị vẫn cao ngất ngưởng. Từ tâm trạng khấp khởi mừng, người tiêu dùng nhanh chóng chuyển qua sự hụt hẫng, bức xúc.
Một số “ông lớn” trong ngành chăn nuôi heo nói họ đã nghiêm túc thực hiện cam kết nhưng vẫn chưa thể góp phần kéo giá heo xuất chuồng xuống 70.000 đồng/kg bởi đàn heo khối DN này chỉ chiếm 35% thị trường, còn lại 65% ở trong tay các hộ chăn nuôi. Có nghĩa là họ chưa đủ sức để chi phối thị trường.
Trên thực tế có nhiều DN không thực hiện đúng cam kết và nếu như họ cùng bắt tay “làm giá thịt heo” thì cũng không có gì khó hiểu khi mà các quy định hiện hành chưa có chế tài nào buộc các DN phải hạ giá bán thịt heo. Xin được nhắc lại rằng hiện thịt heo vẫn chưa có mặt trong danh sách các mặt hàng bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá 2012.
Một giải pháp khác là cho nhập thịt heo để kéo giá xuống. Từ đầu năm đến giữa tháng 3, cả nước đã nhập khẩu hơn 25.000 tấn thịt heo và sản phẩm từ thịt heo. Tuy nhiên, thịt nhập về rồi lại không được đón nhận bởi người tiêu dùng trong nước vẫn giữ thói quen dùng thịt “nóng”, giết mổ và tiêu thụ trong ngày. Phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa mặn mà với thịt heo “lạnh” nhập khẩu.
Từ nhìn nhận, đánh giá thịt heo là mặt hàng thực phẩm thiết yếu, chiếm tới 70% cơ cấu bữa ăn gia đình, việc giá thịt heo tăng cao kéo dài có thể tác động xấu tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2020, hồi giữa tháng 3, liên các Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Thống kê đã thống nhất đề xuất đưa mặt hàng này vào diện bình ổn giá để có cơ chế điều chỉnh giá, ổn định thị trường. Nhiều người tiêu dùng chia sẻ họ an tâm khi 3 bộ “gặp nhau về quan điểm” đó và cho rằng các bộ, ngành chức năng cần đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm đưa mặt hàng thịt heo vào diện bình ổn giá nếu Chính phủ muốn thực sự kiểm soát và không cho tăng giá quá mức mặt hàng này.
Chỉ khi kiểm soát, khống chế tốt dịch tả heo châu Phi làm nền tảng đẩy mạnh tái đàn heo gắn với an toàn sinh học; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm nguồn cung, người chăn nuôi có lãi, nạn đầu cơ, làm giá bị chặn đứng, đặc biệt là đưa mặt hàng thịt heo vào diện bình ổn giá, người tiêu dùng mới không còn bắt gặp “giá ngoài chợ”, “giá trên tivi” dở khóc dở cười như hiện nay.
NGUYỄN TRIỆU HẢI