Đối xử nhân đạo với vật nuôi

Thứ Năm, 02/04/2020, 21:13 [GMT+7]
In bài này
.

Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đã dành hẳn Mục 2 với các Điều 69, 70, 71 và 72 quy định về nghĩa vụ của người chăn nuôi phải đối xử nhân đạo với vật nuôi là gia súc (các loài động vật có vú, có 4 chân) và gia cầm (các loài động vật có 2 chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh) được con người thuần hóa và chăn nuôi.

Theo đó, tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi phải có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; không đánh đập, hành hạ vật nuôi. Cơ sở giết mổ vật nuôi phải hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ, không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ...

Những quy định trên là sự tiến bộ lớn trong xây dựng pháp luật mang đậm tính nhân văn, nhân đạo của con người đối xử với động vật. Bởi, lâu nay việc chăn nuôi động vật ở nước ta chưa chú trọng đến giá trị nhân bản của cuộc sống. Hình ảnh những con vật bị xiềng xích, nhốt trong lồng, hoặc cạo lông thui nguyên con như chó, mèo bị giết mổ bán thịt vẫn còn nhìn thấy trên đường phố, các chợ.

Vẫn còn các nghi lễ, lễ hội hiến tế động vật sống với những cảnh tượng dã man, như lễ hội đâm trâu của đồng bào các dân tộc vùng cao. Hình ảnh con trâu hiền lành bị trói vào cọc cứng, cặp sừng bị cuốn rơm không khả năng tự vệ, cặp mắt sợ hãi, tiếng kêu thảm thiết chịu sự tra tấn cực hình của con người với những cú đâm, chém lòi ruột gan như thời trung cổ thi hành án “tùng xẻo”, trong khi những người đứng xem đều hân hoan cổ vũ thì quả thực là một hành động không văn minh.

Lễ hội chọi trâu ở một vài địa phương không chỉ gây đau đớn cho các con vật lao vào húc nhau, mà đôi khi còn xảy ra nguy hiểm cho người. Như tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn ngày 1/7/2017, con trâu số 18 đã bất ngờ húc trọng thương dẫn đến tử vong chính người chủ của nó.

Tổ chức đá gà cũng là một trò chơi, thú vui mang màu sắc bạo lực của con người. Nhằm thắng đối thủ, con gà được chủ nuôi mài cựa thật bén, thậm chí gắn cựa kim loại để nâng cao tính “sát thương” đồng loại. Sau mỗi trận đấu, con gà thua có khi thiệt mạng, con gà thắng thì cũng thương tích, máu me khắp thân mình. Chưa kể, hầu hết các trận đá gà đều kèm theo cá cược, cờ bạc ăn tiền, gây hệ lụy cho những người tham gia trò tiêu khiển này.

Theo các kết quả nghiên cứu khoa học đã được chứng minh trên thực tiễn, động vật được nuôi dưỡng tốt sẽ cho các sản phẩm (sữa, thịt, trứng…) thơm ngon, bổ dưỡng. Mặt khác, về cơ chế giết mổ thì động vật bị đánh đập sẽ tiết ra những chất làm tăng hoặc giảm mạnh nồng độ axit trong thịt, dẫn đến chất lượng thịt kém ngon. Việc giết mổ thủ công như chọc tiết heo, đập đầu bò bằng búa tạ khiến con vật đau đớn, kêu rống lên thì chúng sẽ tiết ra chất độc ở trong thịt, không có lợi cho sức khỏe con người.

Một xã hội văn minh, con người phát triển theo xu hướng văn hóa hướng thiện thì các hủ tục, trò chơi bạo lực như lễ hội đâm trâu, chọi trâu, đá gà... cần được chính quyền vận động, khuyến khích người dân loại bỏ. Người dân cũng nên điều chỉnh thói quen ăn thịt chó, mèo là các con vật nuôi gần gũi, thân thiện hàng ngày trong nhiều gia đình. Việc giết mổ gia súc, gia cầm thực hiện theo mô hình tập trung và công nghiệp. Mặt khác, cơ quan thẩm quyền sớm ban hành văn bản quy định hình thức xử phạt, xử lý hành vi đối xử vô nhân đạo với vật nuôi đã được quy định tại Luật Chăn nuôi. Có như vậy, mới nâng cao nhận thức tự giác của người dân cùng với biện pháp chế tài, bắt buộc của pháp luật để hình thành cách ứng xử nhân bản với động vật trong đời sống xã hội hiện đại.

GIA BẢO

;
.