Cái cảm giác thú vị, bồi hồi khi giở từng trang sách mới đã không đến với người mê đọc sách trong hội sách năm nay. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hội sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam 2020 đã phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Thay vì được nhìn ngắm, lật giở từng trang sách giấy, người mê sách chỉ được tiếp cận những cuốn sách điện tử trên màn hình máy tính hoặc iPad, smartphone.
Diễn ra từ ngày 19/4 đến 20/5 với chủ đề “Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh”, hội sách trực tuyến quốc gia đầu tiên diễn ra tại sàn thương mại điện tử Book365.vn với sự góp mặt của gần 50 đơn vị xuất bản và phát hành sách, giới thiệu 10.000 đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau. Các nhà tổ chức hy vọng hội sách online sẽ giúp bạn đọc thuận tiện hơn trong việc tiếp cận sách, trở lại và hình thành thói quen đọc sách, góp phần làm giàu kiến thức và làm đẹp tâm hồn của mỗi người.
Nỗ lực của các nhà tổ chức cũng như giới chuyên môn nhằm thu hút người đọc đến với sách ngày một nhiều hơn là rất đáng ghi nhận. Từ năm 2014, ngày 21/4 hàng năm được chọn làm Ngày Sách Việt Nam, hướng tới xây dựng, phát triển phong trào đọc sách, xã hội học tập; Khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách. Nhiều địa phương mở “Đường sách” với nhiều gian hàng giới thiệu sách của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành; tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm, kể chuyện theo sách; nhiều chương trình nghệ thuật có nội dung tuyên truyền việc học, đọc, cổ vũ tinh thần hiếu học; giao lưu giữa các nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ với công chúng…
Nỗ lực là vậy nhưng thực tế lại không như mong muốn khi trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới không có Việt Nam. Thống kê của Bộ VHTTDL cho thấy, trung bình một người Việt đọc 4 cuốn sách/năm (gồm 2,8 cuốn là sách giáo khoa và 1, 2 cuốn là sách khác) trong khi lại dành 2,5 giờ “lang thang” trên Facebook, gấp đôi thời gian dành để xem tivi. Những số liệu dưới đây cho thấy độ vênh trong văn hóa đọc giữa người Việt chúng ta với các nước: Mỗi năm, một người Singapore đọc 14 cuốn sách, Malaysia: 10 cuốn/năm. Người dân các nước Đức, Pháp, Isreal Nhật đọc 20 cuốn sách/người/năm.
Xin được mở ngoặc ở đây là sau 5 năm triển khai Ngày Sách Việt Nam, cả nước có gần 160.000 xuất bản phẩm, gần 1,9 tỷ bản in; Trung bình số cuốn sách tăng 22%, số bản sách tăng 55%. Điều này cho thấy tỷ lệ bỏ tiền mua sách của người Việt không hề thấp. Thế nhưng, nhận định của giới chuyên môn khiến người ta hụt hẫng: Sách xuất bản nhiều không có nghĩa là văn hoá đọc đang phục hồi và lan tỏa mạnh mẽ đọc trong cộng đồng. Không ít người mua sách chỉ để… chưng hoặc làm kiểng!
Sách là kho tàng chứa đựng những khám phá, hiểu biết và phản ánh đời sống vật chất, tinh thần đa dạng, phong phú của nhân loại. Những cuốn sách nhỏ bé mang đến cho con người nhiều điều lớn lao, mới mẻ và thú vị. Nó còn là món ăn tinh thần, truyền cảm hứng cho người đọc, giúp họ cảm thấy thoải mái sau những áp lực cuộc sống. Sách và văn hoá đọc đã gắn bó với người Việt qua bao thăng trầm lịch sử. Vì vậy, không vì một lý do gì để văn hoá đọc của người Việt bị mai một, xa dần.
Cả nước đang nỗ lực xây dựng “xã hội học tập”, “học tập suốt đời”. Nhiệm vụ này đặt ra yêu cầu phục hồi và phát triển văn hoá đọc, thu hút và khơi gợi niềm đam mê đọc sách ở mọi công dân. Thế nhưng, “kênh” để dẫn dắt người ta vào văn hóa đọc và hình thành thói quen đọc sách vẫn là trường học, nơi thể hiện rõ nhất chức năng, sức mạnh của văn hóa đọc. Nhà trường không chỉ định hướng cho học sinh cách đọc phù hợp mà còn khuyến khích lớp trẻ đọc sách và lan tỏa các giá trị mà nội dung cuốn sách đem lại. Thầy cô giáo mê đọc sách sẽ kéo theo học sinh mê đọc sách, hình thành một thế hệ đọc sách bền vững trong tương lai. Tất nhiên các bậc phụ huynh cũng có vai trò không nhỏ trong việc rèn cho con em mình thói quen và văn hóa đọc sách. Trong tủ sách gia đình hãy luôn “thủ” những cuốn sách hay để trẻ có cơ hội đọc nhiều hơn.
Sách và văn hoá đọc không hề mất đi giá trị văn hoá truyền thống lâu đời vốn có của nó nếu cả cộng đồng chung tay vun bồi thói quen đọc sách và văn hóa đọc.
NGUYỄN TRIỆU HẢI