Coi chừng bà hỏa lúc giao mùa

Thứ Sáu, 10/04/2020, 21:53 [GMT+7]
In bài này
.

Giao thời giữa mùa khô và mùa mưa là giai đoạn tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, nắng nóng hanh khô kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao. Công tác phòng chống cháy nổ tại các khu dân cư, các kho vật tư, kho phế liệu, các khu chợ truyền thống và nhất là ở các địa phương có rừng… được các cấp chính quyền, các ngành chức năng thường xuyên quan tâm. Nhờ đó, công tác truyền thông, đôn đốc kiểm tra đã được chú trọng thực hiện, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng cháy chữa cháy (PCCC) của người dân và của các cơ quan, đơn vị.

Hiện nay, Nam Bộ nói chung và tỉnh BR-VT nói riêng đang bước vào giai đoạn cao điểm của mùa hanh khô, nắng nóng. Theo dự báo của cơ quan khí tượng - thủy văn, mùa khô năm nay có nhiều bất thường và kéo dài hơn so với mọi năm. Mức độ cảnh báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh BR-VT hiện đang ở cấp 4 - cấp độ nguy hiểm, đặc biệt, có khu vực đang ở cấp độ 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm; tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng nếu người dân vô ý để rơi tàn lửa. Trong thực tế, tình trạng này cũng đã xảy ra tại một số địa phương, tuy chưa gây ra hậu quả lớn. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP.Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay đã xảy ra hơn 20 vụ cháy, chủ yếu là cháy nhỏ, cháy các đám cỏ khô; mà nguyên nhân chính là do bất cẩn của người dân khi săn bắt ong, vứt tàn thuốc lá. Được biết, hệ thống rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh BR-VT hiện có hơn 33.600ha, trong đó diện tích rừng cần PCCC là hơn 20.000ha. Phần lớn diện tích rừng của tỉnh BR-VT nằm trên địa hình triền dốc, đồi núi phức tạp. Để chủ động phòng chống cháy rừng, nhất là trong giai đoạn cao điểm mùa khô, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường các biện pháp cấp bách để phòng chống cháy rừng; phân loại rõ các khu vực rừng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy lớn; thường xuyên thực hiện tuần tra, kiểm soát khu vực rừng được giao bảo vệ; kịp thời xử lý cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện và hậu cần tại chỗ).

Thực tế cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của các vụ hỏa hoạn xảy ra thời gian qua ở khu vực dân sinh là do thiếu kiến thức trong việc sử dụng điện, bất cẩn khi vứt bỏ tàn thuốc và các nguồn nhiệt khác. Hiện nay, nguy cơ cháy đang hiện hữu tại các chợ, các khu nhà trọ và các kho hàng. Tại nhiều khu chợ truyền thống, nhiều hộ tiểu thương còn chủ quan, lơ là trong việc đề phòng hỏa hoạn. Nhiều chủ kiốt câu mắc điện sai quy cách, không bảo đảm an toàn về PCCC, như để dây điện tiếp xúc trực tiếp với các loại vật liệu dễ cháy; bảng điện, cầu dao để gần nơi treo quần áo, hàng hóa trưng bày. Chỉ cần xảy ra hiện tượng phóng điện từ ổ cắm do tiếp xúc không tốt, hoặc chập dây dẫn điện (nhất là ban đêm) thì sẽ dễ dàng bén lửa vào hàng hóa, dẫn tới việc trở thành đám cháy lớn chỉ trong tích tắc. Tại các hộ gia đình, sự cố cháy nổ cũng có thể xảy ra từ việc câu mắc điện tùy tiện, thiếu an toàn. Nhiều hộ gia đình ở khu vực nông thôn cho dây điện đi qua mái nhà, vách gỗ mà không có biện pháp bảo vệ an toàn; nhiều đoạn dây điện đã quá cũ, vỏ bọc cách điện đã bị nứt, bong tróc, nhưng vẫn chưa được thay mới… Điều này thực sự rất nguy hiểm, vì rất dễ bị chập điện, phóng tia lửa dẫn đến cháy lan ra cả khu dân cư.

Từ ngàn xưa, ông cha ta đã nhắc nhở: “Phòng cháy hơn chữa cháy” và quả thật như thế, không ai phòng ngừa cháy nổ hiệu quả hơn bản thân mình, lực lượng cảnh sát PCCC không thể nào phòng ngừa thay cho mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi hộ gia đình. “Phòng cháy hơn chữa cháy” không chỉ là khẩu hiệu mà còn là lời cảnh báo, nhắc nhở mọi người tự giác chấp hành các quy định về PCCC. Bởi vì, chỉ cần một sơ suất nhỏ thì rất có thể gây ra các vụ cháy lớn, để lại hậu quả khôn lường cho chính bản thân và những người xung quanh. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra, trong đó có tính mạng con người, rất cần ý thức phòng chống cháy nổ của mọi tổ chức, cá nhân. Ngành chức năng cần phối hợp với các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và thiệt hại do cháy nổ gây ra. Bên cạnh đó, công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo cần phải sát đúng với tình hình thực tế để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả.

HOÀNG LÊ

;
.