.

Cơ hội để thay đổi thói quen

Cập nhật: 20:47, 03/04/2020 (GMT+7)

Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, thói quen sinh hoạt của gia đình anh Quang Huy (Phường 2, TP. Vũng Tàu) đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Vợ chồng anh làm nghề tự do, lại có con nhỏ nên trước đây thường dậy muộn. Lo cho con ăn uống xong, vợ chồng lại chở nhau đi ăn sáng, nhiều hôm về đến nhà đã gần trưa. Do vậy, bếp chẳng mấy khi đỏ lửa. Cả nhà thường ăn cơm quán, nhà hàng. 

Buổi tối, anh hay lên mạng đọc báo, xem phim nên đi ngủ muộn. Cái vòng luẩn quẩn trong sinh hoạt như vậy khiến anh không có thời gian rèn luyện thể thao và thường than mệt mỏi. 

Khi dịch bệnh bùng phát, việc đi lại, giao tiếp bị hạn chế, nhà hàng, quán ăn đóng cửa, buộc gia đình anh phải thay đổi thói quen. Từ nửa tháng trước, anh đã được vợ giao nhiệm vụ mua khay nhựa, đất và hạt giống về trồng rau. Cũng từ nửa tháng nay, anh luôn dậy trước 6 giờ để chạy bộ với máy tập, xong lại tưới nước cho rau, tỉa cành mấy chậu bonsai. Hình ảnh được anh khoe với nhóm bạn trên mạng xã hội không còn là những món ăn hấp dẫn nơi nhà hàng, thay vào đó là ảnh chụp màn hình số bước chạy mỗi ngày, là những khay rau xanh mơn mởn. Chị Hồng, vợ anh thì chăm đi chợ sớm để mua được thực phẩm tươi ngon, lại tránh được lúc đông người, qua đó giảm nguy cơ lây bệnh. Gian bếp cũng ngày ngày đỏ lửa. Bữa cơm gia đình đầm ấm. Các thành viên có dịp trò chuyện với nhau nhiều hơn.

Câu chuyện của gia đình anh Quang Huy có lẽ cũng là hình ảnh chung của nhiều gia đình hiện nay. Chính phủ yêu cầu thực hiện biện pháp cách ly toàn xã hội, hạn chế ra đường từ ngày 1/4 để ngăn dịch lây lan. Các hoạt động tập trung đông người phải tạm dừng. Bãi biển, đường phố và những nơi công cộng trước đây có nhiều người tập thể dục, nay vắng vẻ, nhưng điều đó không có nghĩa là người dân ngừng tập luyện. Chẳng hạn, ở khu chung cư nơi tôi ở, nhiều người vẫn tích cực tập luyện mỗi ngày. Thay vì đi leo núi, đến trung tâm tập yoga, họ tự tập tại nhà, đi bộ ngoài hành lang và chinh phục 18 tầng lầu, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa tránh tiếp xúc đông người.

Dịch bệnh không chỉ làm thay đổi thói quen, nếp sinh hoạt của người dân mà còn làm thay đổi cả phương thức làm việc của các cơ quan hành chính, DN. Sự thay đổi đó cũng theo hướng tích cực là tăng cường áp dụng hình thức làm việc qua mạng, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Việc tăng cường áp dụng phương thức làm việc qua mạng là cơ hội để các cơ quan Nhà nước đẩy nhanh tiến độ cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc, đưa vào thực hiện thêm nhiều dịch vụ hành chính công trực tuyến hơn nữa. Và để đáp ứng yêu cầu công việc, bản thân cán bộ, công chức phải nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Yêu cầu tương tự cũng đặt ra với chính người dân. Những điều này rất có lợi cho cả Nhà nước lẫn người dân. Nhà nước giảm được chi phí cho bộ máy, văn phòng phẩm, chi phí điện nước, người dân giảm được sự phiền hà, đỡ phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục, đồng thời còn biết được tiến độ giải quyết hồ sơ của mình. 

Thay đổi một thói quen đã khó, hình thành một thói quen mới càng khó hơn. Nhưng sự thay đổi tích cực rất cần được ủng hộ, nhân rộng; duy trì đủ thời gian để trở thành nền nếp, hình thành nên lối sống tích cực, phương thức làm việc hiệu quả.

ĐỨC NGUYÊN

 
.
.
.