.

Tiết kiệm và tích lũy

Cập nhật: 23:04, 29/03/2020 (GMT+7)

Ngày mới về làm dâu, đúng vào dịp Tết, tôi ngạc nhiên khi thấy sau khi bán đi hàng trăm ký kiệu to đẹp, tròn trĩnh, mẹ chồng tôi còn lựa gạn và tỉa gọt từng củ kiệu nhỏ xíu xiu để muối phơi.

Bà giải thích, số mẹ vất vả từ nhỏ, từng trải qua những năm đói khổ do hậu quả chiến tranh, nên mẹ không nỡ bỏ đi - dù miếng cơm nguội, trái cà non. Lại cũng là người trồng tỉa một nắng hai sương trên cánh đồng, mẹ thương từng cành lá, từng củ khoai, trái ớt. Mẹ chồng tôi cũng hết sức kỹ lưỡng trong tiêu pha. Bốn cô con dâu tặng bà 4 bộ áo dài, bà cười sung sướng. Nhưng lại cất đi 2 bộ dành tặng cho dì Tám, dì Mười ở xa. “Mẹ chỉ cần 2 bộ thay đổi, đừng may nhiều, lãng phí. Nhà mình có ăn, có mặc là nhờ các con có công ăn việc làm. Nhưng với những người khó khăn trong mưu sinh, hay gia đình đông con, hoặc có người mắc bệnh hiểm nghèo, thì từng đồng phải được tính toán khi chi tiêu, phòng khi hữu sự”. 

“Hữu sự” chính là những ngày xảy ra dịch bệnh COVID-19 này đây. Bà cho chú Út chở xuống nhà tôi chục ký bí đao, cà chua, khoai mỡ, thậm chí cả ớt trái, ngò ôm - những sản vật từ mảnh vườn nho nhỏ bà tự tay chăm tưới mỗi ngày. Bà còn nói, mẹ có sổ tiết kiệm đó, đứa nào cần thì nói mẹ. Nhưng đừng có mua sắm cái gì to tát trong lúc này. Chỉ dùng cho việc chăm lo, bảo vệ an toàn sức khỏe thì mẹ cho mượn. Nhìn những con số theo dòng thời gian ghi trong sổ tiết kiệm, tôi biết đó là đồng tiền của lương hưu, của mùa xoài năm ngoái, tiền mừng tuổi hôm Tết từ con cháu, tiền đền bù mấy chục mét đất bên hông nhà để mở đường cách đây 3 năm. 

Câu chuyện của mẹ chồng tôi không phải là đặc biệt. Trong quan sát của tôi, những người ở độ tuổi bà hầu hết đều rất chừng mực và điềm đạm trong chi tiêu. Không cao hứng, không phung phí và hết sức coi trọng việc tích lũy. Nó là một nếp sống, một lối tư duy và dường như trở thành một văn hóa trong sử dụng đồng tiền, trong cách thức tổ chức cuộc sống gia đình với tư cách là một tế bào xã hội. 

Tôi hãy còn nhớ ở một quyển sách dạy cách quản lý tài chính, người viết đặt ra nhiều câu hỏi: Bạn có theo dõi các khoản chi tiêu của mình không? Bạn có quỹ khẩn cấp chưa? Bạn ưu tiên cho khoản chi nào trước: Mua ô tô hay tích lũy vào quỹ học hành của con? Bạn có thường xuyên bội chi và nợ thẻ tín dụng? Bạn có hay tự hứa ảo với mình: Ta sẽ bắt đầu tiết kiệm khi kiếm được nhiều tiền hơn? Chỉ cần trả lời các câu hỏi đó một cách thành thật nhất, chắc chắn mọi người tự kết luận về xu hướng tiêu dùng và khả năng bảo đảm tương lai của gia đình khi xảy ra tình huống bất trắc. 

Cũng có một bài học về tiết kiệm và tích lũy mà chúng ta cần ôn lại một cách hết sức trân trọng. Đó là lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1952 khi cả nước chuẩn bị mọi nguồn lực cho chiến dịch Đông - Xuân 1953-1954. Người nhấn mạnh tầm quan trọng của thi đua sản xuất, tiết kiệm, đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc: “Thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là bồi dưỡng và tích trữ lực lượng dồi dào để kháng chiến lâu dài, để chuẩn bị đầy đủ chuyển sang tổng phản công, để đưa kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi... Lâu nay, chúng ta đòi hỏi nhân dân đóng góp. Từ đây, chúng ta phải ra sức hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân hơn nữa trong việc sản xuất và tiết kiệm để cải thiện đời sống của bộ đội và nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh”. Cuộc vận động sản xuất, tiết kiệm năm ấy đã thu được kết quả lớn. Giá cả ổn định hơn, giải quyết một phần tình hình khan hiếm lương thực. Nhà nước từng bước nắm trong tay một khối lượng lương thực, vật tư cần thiết bảo đảm cho cuộc chiến đấu ngày càng mở rộng.

Gần đây nhất là câu chuyện “Giờ Trái đất 2020” của cả nước diễn ra vào tối 28/3 với 436.000kWh điện được tiết kiệm sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng. Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia xác nhận, số tiền tiết kiệm được là 812,9 triệu đồng. Số tiền này tương đương với mức thu nhập 1 năm của xấp xỉ 100 người thuộc diện hộ nghèo chuẩn quốc gia khu vực nông thôn theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. So sánh luôn luôn là một sự khập khiễng, nhưng con số này luôn nhắc chúng ta rằng, tiết kiệm từ chính những việc làm nhỏ nhặt, hàng ngày, vẫn có thể đếm được, nhìn thấy được và trở thành một giá trị lớn lao khi nhận thức biến thành hành động, thành thói quen mỗi ngày. 

Thói quen tiết kiệm trong tiêu dùng, văn hóa tích lũy trong hoạch định tương lai của mỗi gia đình, mỗi DN, mỗi quốc gia liệu có thể đem lại ích lợi gì cho chính gia đình chúng ta, cho từng người lao động trong công ty, xí nghiệp; cho mỗi người dân của từng phường, xã, thôn, ấp khi phải đối mặt với những bất trắc như thiên tai, địch họa, bệnh dịch? Xin khẳng định là có và rất nhiều lợi ích cả về tinh thần lẫn vật chất. Đối với mỗi gia đình, giàu có không chỉ đánh giá qua thu nhập của từng thành viên nếu không xây dựng được ý thức tích lũy của cải, điều tiết chi tiêu hết sức phù hợp và cân đối cho từng khoản, từng mục. Đối với DN, công ty thì kết quả của khoản lợi nhuận to lớn phải được thể hiện trong các tài khoản quỹ hưu trí, chăm sóc y tế và nhà ở cho công nhân theo mức cần thiết, quỹ dự trữ của đơn vị để đủ khả năng ứng phó với tình huống bất ngờ. Điều này giúp chúng ta giải thích rõ ràng thêm, tại sao tiết kiệm và tích luỹ của mỗi gia đình, của từng DN, của một địa phương vốn đã quan trọng trong cuộc sống thường nhật, lại càng trở nên quan trọng hơn nữa trong những bối cảnh ngoài ý muốn khi thiên tai, dịch bệnh chạm ngõ mỗi nhà. Và có lẽ điều đó càng được soi rọi, thấm thía hơn với chúng ta giữa những ngày nóng bỏng các nhu cầu thiết yếu, ứng phó với dịch COVID-19 của từng gia đình, từng thôn xóm và của cả nước hôm nay. 

NGỌC MINH

 

.
.
.