Cảnh giác với nạn lừa đảo trực tuyến

Thứ Bảy, 11/04/2020, 07:40 [GMT+7]
In bài này
.

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin 4.0, những lỗ hổng mất an toàn ngày càng gia tăng, với tốc độ khoảng 300% mỗi năm. Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), số vụ tấn công lừa đảo trực tuyến chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam. Cụ thể, trong tổng số 571 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin nước ta trong 2 tháng đầu năm nay, thì số vụ tấn công lừa đảo trực tuyến lên tới con số 383, chiếm gần 67%. Còn trong 2 năm 2018 và 2019, tỷ lệ các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến lần lượt chiếm 58 và 61% tổng số cuộc tấn công vào các hệ thống thông tin của cả nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài, với tần suất sử dụng mạng xã hội gia tăng, đang là môi trường lý tưởng cho vấn nạn lừa đảo trực tuyến. Không chỉ bằng những thủ đoạn tinh vi mới, mà ngay cả những chiêu trò cũ rích dù đã được cảnh báo rất nhiều lần trước đây vẫn có không ít người bị rơi vào bẫy, trở thành nạn nhân mới của phương thức cũ. Thủ đoạn được kẻ xấu thường xuyên sử dụng là chiếm đoạt một tài khoản facebook rồi nhắn tin đến danh sách bạn bè, người thân, bịa ra các lý do cần tiền gấp, như người nhà bị ốm nặng, bản thân bị tai nạn… để vay mượn và yêu cầu họ chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng. Chỉ với phương thức, thủ đoạn đơn giản đó, những kẻ lợi dụng lòng thương người của bạn bè đã lừa đảo thành công hàng trăm vụ, với số tiền chiếm đoạt lên tới hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, một trong những hình thức mà tội phạm thường hay sử dụng trên mạng xã hội để dụ dỗ những người đang cần tiền để trả nợ hoặc để giải quyết những việc “nóng” là “bẫy tín dụng đen”. Người vay chỉ cần giấy chứng minh nhân dân (hoặc thẻ căn cước), hình ảnh, sổ hộ khẩu… là có thể dễ dàng vay được tiền mà không cần thế chấp, không hề được tư vấn cách tính lãi phải trả. Đây chính là cái “bẫy” mà những người đi vay không lường trước, đến khi lún sâu vào các khoản vay thì mới biết cách tính lãi có khi lên đến 200%/ngày. Ngoài ra, hàng loạt phương thức lừa đảo khác đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội, như: Nhận bán sản phẩm qua mạng, nhưng khi người mua chuyển tiền thì ngắt mọi liên lạc; hoặc cấu kết với người nước ngoài lừa tiền của những phụ nữ nhẹ dạ cả tin thông qua quà gửi có giá trị cao; trúng thưởng lớn cần chuyển tiền để nhận giải…

Đặc biệt, trong giai đoạn hạn chế tiếp xúc xã hội hiện nay, khi giao dịch trực tuyến phát triển mạnh, lợi dụng các thông tin tuyên truyền về dịch bệnh COVID-19, tội phạm mạng tăng cường phát tán mã độc lừa đảo các giao dịch ngân hàng. Theo thống kê của các công ty bảo mật mạng, chỉ riêng trong tháng 2/2020, đã có 767 tên miền lừa đảo mới được đăng ký; trong đó, có tới 80 tên miền liên quan tới tài chính, ngân hàng. Các chuyên gia an ninh mạng cũng cho biết thêm, từ đầu tháng 3/2020 tới nay, nhiều người sử dụng internet banking của ngân hàng là nạn nhân của các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến. Chiêu thức được các đối tượng xấu sử dụng là gửi tin nhắn dụ người dùng vào đường dẫn mở tới một trang web lừa đảo. Người dùng sẽ bị lấy mất tài khoản internet banking nếu điền thông tin trên website này. Sau khi lấy cắp được tài khoản internet banking, đối tượng lừa đảo sẽ tìm cách chiếm đoạt số tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.

Trước tình hình gia tăng các hình thức lừa đảo trực tuyến tinh vi qua mạng xã hội, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác truyền thông, thường xuyên cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng xấu. Khuyến cáo người dân sử dụng mạng xã hội cần nâng mức độ bảo mật của mật khẩu, sử dụng chức năng thông báo về email hoặc số điện thoại khi có thiết bị lạ đăng nhập tài khoản. Để hạn chế khả năng trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, người sử dụng mạng xã hội cần chủ động nâng cao kiến thức, không làm theo các yêu cầu khi chưa xác định rõ được tính an toàn. Mặt khác, người dùng cần hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của mình, cũng như người thân lên mạng internet, tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Khi gặp trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần tìm cách lưu lại thông tin của đối tượng (như số điện thoại, số tài khoản ngân hàng…), sau đó cung cấp ngay cho cơ quan công an để điều tra, làm rõ.

HOÀNG LÊ

;
.