“Nhà hàng tạm đóng cửa vì COVID-19, hơn 20 nhân viên phải nghỉ việc và không có thu nhập, là một giám đốc, tôi không đành lòng” - Đó là chia sẻ của một giám đốc chuỗi quán cà phê khi nói về việc chuyển sang bán online không chỉ sản phẩm cà phê mà rất nhiều mặt hàng thực phẩm từ tươi sống đến chế biến sẵn.
Trước đây mọi việc đều có nhân viên làm thì nay chị “lăn xả” vào, không nề hà bất cứ việc gì. Từ việc liên hệ với các trang trại trồng rau xanh, trái cây đến các vựa hải sản, thực phẩm ngoại nhập như heo, bò - những sản phẩm hoàn toàn mới mẻ so với “chuyên môn” về cà phê như chị. Sẵn có tài lẻ là nấu ăn ngon, nếu khách hàng có nhu cầu thì chị vào bếp chế biến luôn. Chị tận dụng tất cả các kênh để quảng bá như Facebook của bạn bè, nhóm kinh doanh online, chợ online… Các nhân viên vừa phụ việc nhận đơn, phân loại và kiêm luôn “shiper”, giao hàng tận nơi cho khách. “Đây là thời điểm khá khó khăn doanh thu không có, tiền thuê mặt bằng, điện, nước vẫn phải chi trả, do đó chúng tôi phải có kế hoạch thay đổi để tồn tại. Doanh thu dù không nhiều nhưng cũng đủ để nhân viên có thu nhập và duy trì quán”, chị nói.
Câu chuyện kể trên cũng là cách làm của rất nhiều hộ kinh doanh, DN hiện nay. Không buông tay, không than vãn, cái khó ló cái khôn, nhiều đơn vị kinh doanh đã đổi mới phương thức kinh doanh, kịp thời thích ứng các thay đổi trong thói quen tiêu dùng lúc dịch COVID-19 diễn ra. Để vượt qua khủng hoảng và đối phó với tác động “kép” của đại dịch, nhiều DN đã chứng tỏ “sức đề kháng” của mình bằng cách tính toán giải pháp thích nghi, phương án kinh doanh khác thay thế. Chẳng hạn như, trước dự báo nguồn nguyên liệu có thể thiếu hụt, dẫn đến nguy cơ phải tạm ngừng sản xuất, nhiều DN dệt may đã ứng phó bằng cách chia sẻ đơn hàng và nguồn nguyên liệu dự trữ để có thể duy trì sản xuất trong vài tháng tới, đồng thời, tích cực tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu trong nước để thay thế. Một số thương hiệu may mặc xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh như: Công ty CP May xuất khẩu Vũng Tàu, Công ty TNHH May Thăng Long, Hikosen Cara… cũng xoay sở tình thế để duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động trong mùa dịch bằng cách tập trung sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, mặt hàng đang có sức mua rất mạnh trong thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều DN vẫn duy trì việc kết nối khách hàng cũ, đồng thời tích cực xúc tiến tìm kiếm thị trường mới để sẵn sàng tăng tốc sau khi dịch COVID-19 kết thúc.
Trong khó khăn, mỗi DN có những cách ứng xử khác nhau. Những thay đổi mang tính khó dự đoán của thế giới đòi hỏi khả năng thích ứng ngày càng cao của cả các DN và cá nhân. Sự chủ động “biến nguy thành cơ” của DN đã và đang tạo động lực để nhiều đơn vị khác cùng nhìn lại bài toán chi phí, mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức bằng các mô hình tối ưu và dễ thích ứng hơn. Đây cũng là cú hích để tái cơ cấu, minh bạch thông tin, đa dạng hóa thị trường, thích nghi với những hoàn cảnh mới.
NGÔ GIA