Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị 11 với những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa chống dịch COVID-19 vừa thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung thực hiện các nhóm giải pháp chính. Đó là tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho DN; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; Rà soát, xử lý vướng mắc về lao động, phương án hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch.
Như bao địa phương khác, nhiều DN của BR-VT cũng bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ khi dịch COVID-19 bùng phát, kéo dài. Công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ là thế mạnh của nền kinh tế BR-VT. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, kéo dài, doanh thu của các lĩnh vực này bị giảm sút đáng kể do không tiêu thụ được sản phẩm, bị ngừng trệ sản xuất. Chính vì vậy, rất nhiều DN đã bày tỏ nỗi vui mừng trước quyết định của người đứng đầu Chính phủ, tỏ ý tin tưởng nếu gói hỗ trợ này được triển khai nhanh, nghiêm túc, hiệu quả, sẽ giúp các DN nhanh chóng vượt qua khó khăn, tạo cho nền kinh tế một sức bật mới.
Nhiều DN cho biết, trong chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, họ quan tâm đến vấn đề tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử, đặc biệt là gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay. Bên cạnh đó là gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng tập trung vào việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí… Có các gói hỗ trợ này “tiếp sức”, các DN có thể trụ vững, vượt qua thời điểm khó khăn nhất.
Hỗ trợ DN và người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 là trách nhiệm của các bộ, ngành chức năng, chính quyền địa phương và trên hết là Chính phủ. Các gói hỗ trợ tuy lớn - khoảng 280.000 tỷ đồng nhưng vì “giải cứu” trên diện rộng nên khả năng bao trùm không được hết, đòi hỏi phải thẩm định chính xác để tập trung vốn cho những đối tượng ưu tiên. Các bộ, ngành chức năng được Chính phủ giao trách nhiệm “giải cứu” phải tính toán bảo đảm các gói hỗ trợ đến đúng địa chỉ; Phải có những quy định hết sức rõ ràng, cụ thể, các hướng dẫn thật chi tiết để các DN tự xem mình có phù hợp với những tiêu chí hỗ trợ hay không. Bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, các gói hỗ trợ mới có hiệu ứng tâm lý tích cực, làm tăng lòng tin của các DN và người dân.
Tác động xấu của dịch COVID-19 đến nền kinh tế đất nước rất lớn và hệ quả của nó không chỉ trong năm 2020 mà có khả năng kéo dài đến năm 2021. Vì vậy, Chỉ thị 11 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành cần phải được gấp rút triển khai, nhanh chóng đi vào cuộc sống. Để gói hỗ trợ của Chính phủ kịp thời đến tay DN, người dân, các bộ, ngành, địa phương phải chung tay, thực hiện nghiêm thông điệp của người đứng đầu Chính phủ: Hỗ trợ không phải là bao cấp cho sự yếu kém. Các gói hỗ trợ phải có hiệu lực ngay đến DN và người dân, không được để lâu, không có cơ chế xin - cho, thiếu minh bạch.
Phải tạo mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các địa phương, “đừng để ngâm ngày này sang ngày kia, sở này sang sở kia. Quy định nào chưa sát thực tế thì phải bãi bỏ, “nhất là xóa bỏ cái quyền tôi, quyền anh, xin - cho”. Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh, điều quan trọng còn lại là sự nhập cuộc của các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm rằng những chính sách hỗ trợ sẽ sớm được triển khai để DN và người dân có thể xoay xở trước khi quá muộn.
NGUYỄN TRIỆU HẢI