Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Thứ Hai, 09/03/2020, 20:36 [GMT+7]
In bài này
.

Theo Sở Công thương, trong những tháng đầu năm nay tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động thương mại, dịch vụ; tác động mạnh đến tâm lý người dân, làm số lượng khách du lịch đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm mạnh (dịch vụ lữ hành giảm 9,65%), hoạt động mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị và kể cả các chợ truyền thống cũng giảm sâu (từ 30-40%). Ở lĩnh vực sản xuất xuất khẩu, dịch vụ cũng chịu thiệt hại lớn. Hầu hết các DN sản xuất kinh doanh đều đang gặp phải những khó khăn. Cụ thể là đối với DN sản xuất thì thiếu nguyên liệu sản xuất. Bởi hiện tại Trung Quốc là đối tác thương mại lớn và có chung đường biên giới với Việt Nam, thêm vào đó nguồn nguyên liệu sản xuất của nhiều ngành hàng chủ lực trong nước như dệt may, da giày, thép… chủ yếu được nhập từ Trung Quốc. Do đó, khi dịch bệnh xảy ra, hoạt động thương mại qua biên giới bị gián đoạn nhiều doanh nghiệp của tỉnh đối diện nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất. Trước Tết Nguyên đán 2020, các DN đã nhập dự trữ lượng hàng để phục vụ cho sản xuất trong Quý I/2020. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp sẽ không có đủ nguyên liệu để duy trì sản xuất.

Còn đối với DN kinh doanh thương mại - dịch vụ thì lượng khách, sức mua, doanh thu sụt giảm mạnh do tâm lý e ngại dịch bệnh, người dân không tới các nơi tập trung đông người nên các cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ như siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, uống… đều vắng khách hơn so với trước khi có dịch.

Trong thời điểm này, DN rất cần sự quan tâm, tiếp sức và đồng hành của chính quyền địa phương cũng như các sở, ngành có liên quan. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, ngày 6/3 vừa qua Sở Công thương đã có văn bản gửi Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN. Theo đó, cơ quan này đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiến hành làm việc với chính quyền các tỉnh, địa phương của Trung Quốc nhằm xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các DN vừa và nhỏ trở thành khách hàng, thị trường của nhau hoặc chia sẻ nguồn, nguyên liệu để các DN có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Có các giải pháp hỗ trợ để các chuyên gia, kỹ sư công nghệ cao sớm quay trở lại Việt Nam làm việc.

Đối với Bộ Công Thương có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các DN trong việc chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế. Bên cạnh đó, khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các DN sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da-giày (các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa của Việt Nam. Có chính sách hỗ trợ các DN ngành trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng, tìm kiếm các thị trường mới chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Đồng thời có chính sách khuyến khích các DN đầu tư mạnh vào công nghiệp chế biến, giảm xuất khẩu thô, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm ngành nông nghiệp.

Thiết nghĩ ngoài các giải pháp này thì Nhà nước cũng cần có chính sách kịp thời hỗ trợ cho các DN như: giảm hoặc cho phép nộp chậm thuế cho DN gồm thuế VAT và thuế thu nhập DN; giảm lãi suất ngân hàng; trong hoạt động xuất nhập cảnh cần giảm lệ phí và nới lỏng các chính sách; giảm tiền thuê đất, hỗ trợ miễn giảm lãi suất, giãn nợ hoặc khoanh nợ đối với các khoản vay của các DN bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh như du lịch, dịch vụ.

PHÚC MINH
;
.