Bước tiến trong xây dựng Chính phủ điện tử

Thứ Hai, 23/03/2020, 22:03 [GMT+7]
In bài này
.

Kể từ khi cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch COVID-19 một cách quyết liệt, khẩn trương, công chúng ít thấy những cuộc họp truyền thống. Thay vào đó, các bộ, ngành, địa phương tăng cường ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh hình thức họp trực tuyến.

Từ góc độ chuyên môn, Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT) ghi nhận các hoạt động về phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) của các bộ, ngành có xu hướng được đẩy nhanh hơn do phát sinh mạnh nhu cầu trao đổi thông tin, gửi nhận văn bản trên trục liên thông văn bản quốc gia, họp trực tuyến giữa các cấp để ứng phó với dịch COVID-19. Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng, tuy trao đổi, họp hành qua hình thức trực tuyến, công việc của các bộ, ngành, địa phương vẫn thông suốt, trôi chảy.

Việc ứng dụng CNTT, giải quyết hồ sơ trên nền tảng điện tử đã được Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai từ nhiều năm nay trong quá trình xây dựng CPĐT. Năm 2019, các bộ, ngành chức năng và địa phương đã có sự đột phá mạnh mẽ khi triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia-2 nền tảng quan trọng trong xây dựng CPĐT, kết nối Chính phủ với người dân và DN. 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia; Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã tăng gấp đôi; Lần đầu tiên liên thông thủ tục cấp giấy khai sinh ở cấp xã và thẻ BHYT cấp huyện…

Tại BR-VT, từ năm 2010 các sở, ngành, địa phương đã bắt đầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), từng bước hoàn thiện khung pháp lý về xây dựng CQĐT; Cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 cơ bản đáp ứng theo lộ trình của Chính phủ và của địa phương… Hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến - nơi thực hiện chức năng “một cửa điện tử” cho phép tiếp nhận, xử lý, chuyển trả kết quả cũng như tra cứu về tình trạng xử lý hồ sơ của nhiều lĩnh vực dịch vụ công được đưa vào sử dụng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân, DN. Cùng với việc chấm dứt việc chuyển văn bản giấy, các sở, ngành, đơn vị tăng cường ứng dụng chữ ký số; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh… Những bước tiến này đã đưa BR-VT liên tục nằm trong top 10 địa phương được đánh giá có chính quyền năng động, nhiều nỗ lực trong xây dựng và phát triển CPĐT nhằm cung ứng dịch vụ công tốt nhất cho DN, người dân.

 Tại Hội nghị Ủy ban Quốc gia về CPĐT với Ban Chỉ đạo CPĐT, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương diễn ra ngày 12/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nếu làm tốt CPĐT cũng là một giải pháp ngăn ngừa COVID-19. Thực tế cho thấy đánh giá của người đứng đầu Chính phủ là đúng đắn. Dịch COVID-19 gây ra những thiệt hại to lớn với đời sống kinh tế - xã hội nhưng nó cũng như một “cú hích”, thúc đẩy các cơ quan, đơn vị xây dựng CPĐT mạnh mẽ hơn khi kích hoạt những cuộc họp online, trao đổi công văn giấy tờ bằng thư điện tử, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và DN qua hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến…

Xây dựng CPĐT là xu hướng phát triển và là một phần quan trọng trong tiến trình cải cách nền hành chính quốc gia. Phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, lấy người dân, DN làm trung tâm sẽ góp phần làm cho hoạt động của Chính phủ trở nên minh bạch hơn, phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn bởi CPĐT được phát triển trên các giá trị công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình, không chấp nhận cơ chế “xin - cho”, “duyệt - cấp”, những hành vi nhũng nhiễu, hối lộ.

Tại Hội nghị trực tuyến lần thứ 3 về CPĐT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có lưu ý, trong xây dựng CPĐT thì yếu tố con người, thể chế là đầu tiên, sau đó mới đến công nghệ. Khi đưa ra đánh giá này, hẳn người đứng đầu Chính phủ muốn nhắc nhở trong bộ máy công quyền, hiện đang còn một bộ phận CBCC chưa có tư duy CPĐT, vẫn có ý thức và thói quen thực hiện theo các phương thức truyền thống. Vì vậy, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương là thường xuyên nâng cao kiến thức cho CBCC về CPĐT, chính quyền điện tử.

Việc xây dựng CPĐT hiện vẫn còn những vướng mắc: các nghị định, hành lang pháp lý cho triển khai CPĐT chưa được ban hành; 70% các bộ, ngành, địa phương chưa có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; chưa có nền tảng thanh toán điện tử cho dịch vụ công; các bộ, ngành, địa phương dùng nhiều phần mềm khác nhau và không có khả năng liên thông…

Tháo gỡ những vướng mắc trên đây, CPĐT mới đáp ứng mục tiêu tất cả các dịch vụ hành chính thông thường sẽ được thực hiện trực tuyến trên nền tảng số, hàng loạt các thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm và minh bạch người dân, DN không cần đến trụ sở cơ quan Nhà nước mà ngồi bất kỳ đâu cũng có thể được cung cấp dịch vụ công.

NGUYỄN HƯNG NHƠN

;
.